Theo đó, nổi lên có thể kể đến một số văn bản Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành. Cụ thể như sau:
1. Triển khai thi hành Luật đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản. Nhằm đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính góp phần quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển ổn định, liên tục, các nội dung trong Nghị định đã được quy định theo hướng cắt giảm giấy tờ, minh bạch hóa, cụ thể hóa về cách thức thực hiện, rút ngắn thời hạn giải quyết... trong việc cấp, cấp lại thẻ đấu giá viên, đăng ký hoạt động của doanh nghiệp chuyển đổi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thành doanh nghiệp đấu giá tài sản; đăng ký hoạt động của doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động đấu giá tài sản thành doanh nghiệp đấu giá tài sản và thẩm định, phê duyệt điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó đã cắt giảm được chi phí cũng như thu hút số lượng lớn người tham gia hoạt động đấu giá.
2. Thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-VPBCĐ ngày 05/5/2016 của Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 896 ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017. Trong đó, tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực như: lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, thi hành án dân sự, công chứng... Cụ thể, Nghị quyết đã bãi bỏ 02 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 107 thủ tục hành chính (gồm cả đơn giản hóa về thành phần hồ sơ và mẫu đơn, tờ khai) nhằm khai thác, sử dụng các thông tin cơ bản về công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (quy định tại Điều 9 Luật Căn cước công dân năm 2014), giảm bớt giấy tờ, các thông tin công dân phải cung cấp cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính khi thực hiện thủ tục hành chính. Với phương án đơn giản hóa như vậy, dự kiến sẽ tiết kiệm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính là hơn 492 tỷ đồng/năm (tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa là 18.91%). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đơn giản hoá thủ tục hành chính theo yêu cầu và lộ trình được quy định tại Nghị quyết.
3. Nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trên toàn quốc; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, Nghị định đã xác định rõ thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm; bổ sung các quy định về tiêu chí xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành; việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích… Những quy định tại Nghị định đã bảo đảm phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tính hợp lý, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành trong thực tiễn, nhất là việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định của người có thẩm quyền mà vẫn đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong việc thu ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính.
4. Ngày 01/9/2017, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm (thay thế Nghị định số
83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2017 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm).
Nhằm hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, đáp ứng yêu cầu tăng cường công khai minh bạch về tài sản, giao dịch gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định đã quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm phải đăng ký; các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu; cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; các phương thức nộp hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm… Có thể thấy, so với Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP đã thiết kế lại các quy định về thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển) theo hướng rà soát, bỏ bớt các quy định mang tính kỹ thuật như: kê khai đơn, mô tả tài sản bảo đảm…, đồng thời, số điều khoản được thiết kế ít hơn theo hướng đơn giản hóa thủ tục và thành phần hồ sơ, giấy tờ đăng ký nhưng vẫn bảo đảm tính chặt chẽ và an toàn cho người yêu cầu đăng ký (không quy định về giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm; quy định lựa chọn giấy tờ trong hồ sơ cần nộp nếu có một trong các giấy tờ như Giấy phép xây dựng hoặc Quyết định phê duyệt dự án đầu tư hoặc hợp đồng thế chấp tài sản có công chứng, chứng thực; trong thành phần hồ sơ có các giấy tờ đã được công chứng, chứng thực thì giấy tờ đó được tiếp tục sử dụng và thay thế cho các giấy tờ pháp lý khác có liên quan như Giấy phép xây dựng… và cơ quan đăng ký tiếp nhận giấy tờ đã công chứng, chứng thực; bổ sung phương thức đăng ký trực tuyến áp dụng với tất cả các loại tài sản, không phân biệt theo loại hình tài sản bảo đảm...).