Khánh Hòa cần có giải pháp “đột phá” đẩy mạnh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4
Chưa thể đạt được mục tiêu đề ra theo Kế hoạch
Kết quả thực hiện 02 năm cho thấy, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh nhiệt tình công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trên 30% tổng số thủ tục hành chính toàn tỉnh) nhưng người dân vẫn còn “thờ ơ” thể hiện qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh còn thấp, chưa thể đạt được mục tiêu đề ra theo kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại tỉnh Khánh Hòa năm 2015 và giai đoạn 2016 – 2020. Nhiều dịch vụ công được cung cấp trực tuyến nhưng hầu như không phát sinh giao dịch hoặc phát sinh ít kể cả trực tuyến và nộp trực tiếp. Năm 2015, UBND tỉnh đã công bố cập nhật 473/1.514 TTHC (chiếm 31%) thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 3 nhưng chỉ tiếp nhận và giải quyết thành công 6.000 hồ sơ điện tử. Năm 2016, tổng số hồ sơ trực tuyến chỉ chiếm 4.34% trên tổng số hồ sơ phát sinh của các thủ tục hành chính trực tuyến. Đến cuối năm 2016, UBND tỉnh tiếp tục rà soát và công bố 562/1562 TTHC (chiếm 36%) thủ tục hành chính trực tuyến trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tăng 89 thủ tục hành chính so với năm 2015. Theo đó, 06 tháng đầu năm 2017, kết quả giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 toàn tỉnh đạt 12% trên tổng số hồ sơ của TTHC được công bố tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, 4.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ngành, địa phương để tạo động lực thực hiện, nâng cao kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến của toàn tỉnh trong năm 2017. Nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là các cơ quan hành chính cần có giải pháp “đột phá”, mang tính “hành động” nhằm đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai Trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, xây dựng Quy chế khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có những quy định ưu đãi đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến so với phương thức nộp truyền thống nhằm thu hút người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Sở Tư pháp triển khai mô hình “Điểm truy cập Internet, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4”.
Tại Sở Tư pháp từ năm 2015 đến năm 2016 đã công bố cung cấp 16 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chiếm 18% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp) nhưng kết quả thực hiện không có hồ sơ trực tuyến phát sinh. Đến tháng 12/2016, Sở Tư pháp tiếp tục rà soát, bổ sung thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp vào danh mục thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên 17 thủ tục hành chính (chiếm 19% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp). Để giải quyết tình trạng trên, Sở Tư pháp đã triển khai mô hình “Điểm truy cập Internet, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại Bộ phận Một cửa của Sở Tư pháp”. Theo đó, Sở đã trang bị máy móc, thiết bị: máy tính, máy scan, máy in để phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Nhằm đảm bảo tiết kiệm kinh phí và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả những nguồn lực có sẵn, Sở đã đưa máy tính phục vụ tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được trang bị theo Đề án Một cửa để hỗ trợ, phục vụ người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời, nhằm phát huy tinh thần, sự sáng tạo, năng động của tuổi trẻ vào công tác cải cách hành chính, Sở đã huy động đoàn viên, thanh niên Văn phòng Sở tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Bước đầu triển khai đã nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân: hài lòng và ủng hộ. Qua công tác giới thiệu, hướng dẫn, được biết đa số người dân chưa biết, không quan tâm hoặc một số biết nhưng chưa có niềm tin đối với dịch vụ công trực tuyến, thói quen nộp hồ sơ “trực tiếp”, “cực mà chắc” đã ăn sâu trong nhận thức của người dân. Đặc biệt, người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các phương tiện (máy tính, máy scan, điện thoại thông minh) để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Qua đó, cho thấy trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước là rất lớn, cần phải thay đổi cách thức tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến theo hướng “hành động”, “nói đi đôi với làm”, tuyên truyền đúng đối tượng và có giải pháp hỗ trợ nghiệp vụ và kỹ thuật kịp thời.
Bên cạnh việc triển khai “Điểm truy cập Internet, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại Bộ phận Một cửa”, Sở Tư pháp đã rà soát lại các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4 và đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, Sở chỉ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến có thành phần hồ sơ đơn giản, có nhu cầu phát sinh hồ sơ hành chính cao để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Tại Sở hiện nay, chủ yếu chỉ phát sinh hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp (khoảng 7.000 đến 8.000 hồ sơ /01 năm) nên Sở đã tập trung công tác tuyên truyền, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Sở đã làm việc với Tổng công ty bưu chính Viettel – chi nhánh Khánh Hòa, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) – chi nhánh Nha Trang, Cục công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) để hỗ trợ người dân trong việc thanh toán lệ phí trực tuyến và gửi nhận kết quả lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính. Hiện nay, khi người dân giao dịch trực tuyến thành công, nộp lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp vào tài khoản ngân hàng của Sở Tư pháp thì Bộ phận Một cửa đã nhận được tin nhắn tự động thông báo nộp lệ phí của người dân để tiến hành kiểm tra, thụ lý hồ sơ kịp thời. Việc thụ lý hồ sơ cũng được kết nối, thông báo tự động tới địa chỉ email mà người dân đăng ký. Với việc triển khai tích cực các giải pháp nêu trên, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 tại Sở đã có sự chuyển biến tích cực, chưa đầy 01 tháng triển khai nhưng đã có gần 40 giao dịch trực tuyến mức độ 3 cấp phiếu lý lịch tư pháp thành công, trong đó có nhiều trường hợp đang công tác học tập ở ngoại tỉnh đã nộp hồ sơ trực tuyến.