Đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho ngành Tư pháp: Cải tiến phương pháp để tạo chuyển biến

21/11/2010
Những năm qua, đội ngũ cán bộ công chức trong ngành Tư pháp đã không ngừng được củng cố, tăng cường, vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của ngành. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ công chức này đang bộc lộ những bất cập, chưa ngang tầm với yêu cầu của chức năng, nhiệm vụ được giao. Vì thế, hơn lúc nào hết trách nhiệm đặt lên vai những người làm công tác giáo dục trong ngành Tư pháp là rất nặng nề…

Chuyển mình ấn tượng nhưng vẫn chưa ngang tầm

Hiện nay, Bộ Tư pháp có 1.229 cán bộ, so với giai đoạn trước 2005, số lượng cán bộ cơ quan Bộ tăng trên 20%, số cán bộ có trình độ trên đại học tăng 35 % , nhiều cán bộ đã sử dụng thông thạo 1 đến 2 ngoại ngữ. Đội ngũ cán bộ cơ quan thi hành án dân sự cũng không ngừng được tăng cường. Các cơ quan thi án dân sự có 8.087 cán bộ, trong đó, 77% có trình độ cử nhân luật trở lên. Đối với cơ quan tư pháp địa phương, đội ngũ cán bộ cũng đã có sự phát triển quan trọng. Tính đến tháng 01/2010 tổng số cán bộ của Sở Tư pháp có 3.530  người, tăng 17% so với năm 2005, trong đó 75% cán bộ có trình độ cử nhân luật trở lên. Sau khi Phòng Tư pháp được khôi phục lại, đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp huyện đã nhanh chóng được tăng cường. Hiện nay, bình quân mỗi phòng tư pháp cấp huyện có khoảng 4,0 cán bộ, so với giai đoạn trước 2005 tăng trên 12%...

 Số liệu trên đây đã cho thấy, trong những năm qua đội ngũ cán bộ công chức trong ngành Tư pháp đã có sự chuyển mình vượt bậc để từng bước vươn lên khẳng định vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong quản lý nhà nước và trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, xét trên toàn cục diện, hệ thống các cơ quan Tư pháp trong thời gian qua vẫn chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao mà nguyên nhân chính là do sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa khối lượng công việc và lực lượng, chất lượng cán bộ, đặc biệt là đối với Phòng Tư pháp cấp huyện và Tư pháp cấp xã. Đơn cử, tại nhiều địa phương vẫn còn một số huyện chỉ có 2 cán bộ, do đó, việc triển khai nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Ở cấp xã, cũng còn có xã chưa bố trí được cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc, 25,29% cán bộ chưa được đào tạo chuyên ngành luật. Ở cơ quan Tư pháp cấp Trung ương, tỉnh, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về lĩnh vực được giao đảm nhiệm dẫn đến việc tham mưu, hoạch định chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra còn mang tính chuyên môn, nghiệp vụ đơn thuần, chưa chính quy, chuyên nghiệp cao, chưa sâu sát...

Gánh nặng đặt trên vai những nhà giáo

   Trong những năm qua công tác đào tạo nguồn nhân lực đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần của hai Nghị quyết Trung ương số 08/NQ-TƯ năm 2002 và Nghị quyết 48-NQ/TƯ năm 2005. Xét về tổng thể, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tuy có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với trước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế. Nguyên nhân của việc “vẫn chưa đáp ứng” này phần nhiều là do nội dung chương trình, phương pháp đào tạo bồi dưỡng còn chậm đổi mới, chưa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thực hành, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo còn kém hiệu quả...

Hay nói như Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội PGS-TS Hoàng Thế Liên: “Công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật vẫn cần và có thể làm được nhiều hơn nữa để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác bảo đảm chất lượng đào tạo, đặc biệt là ở các cơ sở đào tạo luật mới được thành lập cần được quản lý chặt chẽ và quyết liệt hơn. Tỷ lệ giáo viên/sinh viên nói chung vẫn còn cao, cần có những giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên để giảm tỷ lệ này, đạt mức Chính phủ đã quy định. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy trong đó có thư viện và các cơ sở học liệu cũng cần được chú trọng đầu tư, trang bị, nâng cấp để bảo đảm điều kiện dạy và học tốt theo phương pháp mới có chất lượng hơn...”

Theo định hướng công tác tổ chức cán bộ giai đoạn 2011-2015 của toàn ngành Tư pháp, việc tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành sẽ rất được chú trọng. Theo đó, hàng loạt những hoat động cụ thể sẽ được tiến hành như: cải tiến phương pháp đào tạo hiệu quả, gắn với nhu cầu thực tế; tiếp tục triển khai xây dựng Đề án thành lập Trường Trung cấp Luật đặt tại tỉnh Thái Nguyên để đào tạo trình độ trung cấp luật cho đội ngũ cán bộ Tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tạo chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trong đó, đặc biệt chú trọng hoàn thiện các quy định về chế độ đào tạo bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch đào tạo...

Do đó, hơn lúc nào hết trách nhiệm đặt lên vai những người làm công tác giáo dục trong ngành Tư pháp là rất nặng nề đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc và quên mình.

Xuân Hoa

Ông Hoàng Thế Liên – Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Hiệu trường ĐH Luật Hà Nội:

Ở trường ĐH Luật Hà Nội, từ việc nhận thức được những bất cập của vấn đề đào tạo nhân lực pháp luật trong thời gian qua, đã có những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của sinh viên ra trường cả về khía cạnh chuyên môn và kỹ năng làm việc. Theo đó, trường đang từng bước chuyển đổi và áp dụng thành công phương thức đào tạo theo tín chỉ, cho phép sinh viện chủ động lựa chọn chương trình và tiến độ học tập phù hợp. Cùng với đó, Trường cũng đáng áp dụng các phương pháp đào tạo mới, hiện đại như phương pháp tình huống, phương pháp học trên cơ sở giải quyết giải quyết vấn đề, phương pháp làm việc theo nhóm nhỏ, tư vấn. Các phương pháp này đang phát huy tác dụng làm cho sinh viên của trường học tập ngày càng chủ động và có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn

Ông Phan Chí Hiếu – Giám đốc Học viện Tư pháp:

Bên cạnh những kết quả tích cực, thời gian hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp còn có những vướng mắc và hạn chế. Để khắc phục những hạn chế này, Học viện Tư pháp áp dụng các giải pháp như xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh, đủ sức đảm đương các nhiệm vụ được giao; xây dựng, hoàn thiện, phát triển các chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo; áp dụng triệt để phương pháp đào tạo hiện đại, phù hợp với yêu cầu đào tạo nghề; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành hữu quan trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp… Riêng đối với giải pháp “áp dụng triệt để phương pháp đào tạo hiện đại, phù hợp với yêu cầu đào tạo nghề”, Học viện trong quá trình đào tạo sẽ tăng cường đối thoại, học theo nhóm nhỏ, toạ đàm, diễn án, sử dụng mô hình để phát huy tính sáng tạo của học viên; tổ chức hội thảo để hướng dẫn, trao đổi, thống nhất các biện pháp và quy trình áp dụng phương pháp đào tạo đến từng giảng viên; tiến hành khảo sát, đánh giá các phương pháp hiện có, học tập kinh nghiệm của nước ngoài và các cơ sở đào tạo, trên cơ sở đó lựa chọn các phương pháp đào tạo thích hợp có thể áp dụng hiệu quả tại Học viện.

Ông Hoàng Ngọc Thỉnh – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Hiệu trưởng Trường trung cấp luật Buôn Mê Thuộc:

Cho đến thời điểm này, Trường trung cấp luật Buôn Mê Thuộc đã tuyển sinh được 3 khóa với tổng số hơn 700 học viên, còn Trường trung cấp luật Vị Thanh – Hậu Giang tháng 12 này sẽ khai giảng với số lượng tuyển sinh 137 học viên. Vì các lý do đặc thù nên nguồn nhân lực cho các Trường trung cấp luật Buôn Mê Thuộc và Vị Thanh có những đặc điểm riêng biệt như không đồng đều về mặt nhận thức, kiến thức; người dân tộc thiểu số chiếm đa số; hoàn cảnh kinh tế hạn chế do phần lớn ở vùng sâu, vùng xa…Đây cũng chính là những thách thức đối với hệ thống đào tạo trung cấp luật. Trong khi đó, nhu cầu cán bộ pháp luật, tư pháp cho cấp xã, phường hiện nay đang là vô cùng lớn và cấp thiết. Do đó, chúng tôi kiến nghị các địa phương khi cử người đi học nên cân nhắc để hỗ trợ một phần kinh phí học tập cho học viên để học yên tâm; đối với các học viên đã tốt nghiệp địa phương cần có chính sách tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp. Về phía Bộ Tư pháp cần sớm xây dựng cơ chế tiêu chuẩn cho địa phương để họ áp dụng trong quá trình tuyển dụng, sao cho có thể sử dụng tối đa nguồn nhân lực đã đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần nghiên cứu xây dựng chương trình liên thông từ trung cấp lên đại học để tạo cơ hội cho cán bộ tư pháp ở địa phương nâng cao trình độ.