Sửa đổi Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Quan tâm chất lượng đại biểu

09/11/2010
Hôm qua 8/11, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật nói trên, các ĐBQH thống nhất cao chủ trương chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thực sự cần thiết, nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND được tổ chức trong cùng một ngày tới đây.

Tăng thêm thời gian cho công tác chuẩn bị

Đây là vấn đề được nhiều ĐBQH đề nghị với tinh thần quy định sao cho việc bầu cử “hai trong một” được tiến hành đạt kết quả cao nhất, thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân. ĐB Nguyễn Hồng Nhị, Nghệ An cho rằng việc công bố ngày bầu cử cần thực hiện trước 120 ngày, thay vì 150 như hiện nay, để các bước hiệp thương, các công việc chuẩn bị khác có thời gian chủ động và thực hiện tốt hơn.

ĐB Hoàng Thị Bình, Cao Bằng đồng tình: Cần quy định thời hạn công bố ngày bầu cử sớm hơn, có thể 110 ngày hoặc 120 ngày. ĐB này chỉ ra rằng: Công tác hiệp thương thường được đánh giá còn mang tính hình thức. Do đó,  đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức hội nghị, cần phải chi tiết về thành phần tham dự và số dư từng vòng hiệp thương.

Về thời gian, thẩm quyền và thành phần các tổ chức phụ trách bầu cử, theo ĐB Danh Út, Kiên Giang: theo dự thảo luật, việc thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, tương đương ở cấp tỉnh, huyện, xã là 95 ngày; Ban bầu cử 65 ngày, Tổ bầu cử 35 ngày trước ngày bầu cử. Thời gian trên là quy định cũ được thực hiện bầu cử riêng cho ĐBQH và đại biểu HĐND là phù hợp. “Nhiệm kỳ này là bầu chung một ngày, đòi hỏi công việc nhiều hơn, phải có thời gian chuẩn bị nhiều hơn Do đó ĐB Út đề nghị tăng thêm thời gian thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương từ 105 ngày lên 120 ngày; tương đương ở địa phương từ 95 ngày lên 105 ngày.

Cũng đề nghị tăng thêm thời gian để cử tri được khiếu nại sửa đổi các sai sót trong danh sách cử tri đã được niêm yết, ĐB Nguyễn Duy Nguyên, Hải Dương nêu thực tế ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhầm họ, nhầm tên, nhầm năm sinh rất nhiều, do đó cần kéo dài thời gian lên 30 ngày.

Cử tri cần nhiều cơ hội lựa chọn

Về vấn đề ĐB TW ứng cử tại địa phương, ĐB Đặng Huyền Thái, Hà Nội đề nghị ngoài việc gửi danh sách ĐB thì Hội đồng bầu cử Trung ương phải gửi cả lý lịch tóm tắt những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương. Theo phân tích của ĐB này, Mặt trận tổ quốc địa phương cần có lý lịch của những người ứng cử, cư trú tại địa phương để nghiên cứu và tổ chức Hội nghị tiếp xúc lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.  Thực tế, những cuộc bầu cử trước đây Trung ương không gửi lý lịch tóm tắt về nên Mặt trận tổ quốc cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. “Điều đó là không phù hợp với yêu cầu thực tế và thiếu tôn trọng cơ sở, thiếu công bằng với những người của địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội”, ĐB Thái nhấn mạnh.

ĐB Thái cũng đề nghị bổ sung về tỷ lệ tín nhiệm của người cử tri nơi công tác và nơi cư trú đối với người được hiệp thương giới thiệu ứng cử. Theo đó, những người nào tín nhiệm dưới 50% của cử tri nơi công tác và nơi cư trú sẽ được xem xét và có thể đưa ra khỏi danh sách giới thiệu ứng cử.

Nhấn mạnh tiêu chuẩn ĐB, ĐB Lê Quốc Dung, Thái Bình cho rằng vấn đề công khai, danh sách ứng cử, cơ cấu ứng cử, số dư, quyền tranh cử phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng tốt hơn. ĐB Dung bức xúc với tình trạng địa phương bố trí quân xanh, quân đỏ để làm cho thuận, cho nhanh, dễ cho sự lãnh đạo chỉ đạo và kiên quyết “không được để nó tồn tại trong thời gian tới.

“Dân có thể bầu cả 2 ĐB cùng một đơn vị công tác vì thấy người ta xứng đáng, và không lý do gì bắt người ta phải gạt ra một”. ĐB Dung phân tích và kết luận “Chỉ cần 4 đơn vị bầu cử cũng như thế cuối cùng chất lượng HĐND kỳ đó rất kém” Ông Dung đề nghị việc sửa đổi lần này phải công khai từ tài sản đến tiểu sử, bằng cấp... để nhân dân kiểm tra. Và việc bố trí làm sao để những người ra ứng cử và tự ứng cử phải tương quan, nghĩa là dân người có thể chọn một chín, một mười, chứ không thể là một mười, một năm”.

Thu Hằng – Hương Giang

ĐBQH Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh): “Thủ tục hành chính nào cũng do con người mà ra”

Hôm nay 9/11, theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010. Bên hành lang kỳ họp, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) với tư cách là thành viên Hội đồng tư vấn CCTHHC), đã nhận xét:

Chủ trương CCHC được thực hiện trong thời gian rất nhiều năm, mặc dù có kết quả nhưng rất hạn chế, nhưng khi bắt đầu Đề án 30 chúng ta đã có những đột phá: lần đầu tiên thống kê được toàn bộ TTHC từ TW đến địa phương liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Thực tế, chủ trương ta đặt ra chỉ tiêu là ít nhất cắt giảm 30% nhưng nhiều nơi cảm thấy rằng có thể cắt giảm lớn hơn 30% chứ không phải chỉ 30%.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, sự “rườm rà” của TTHC bắt nguồn từ “cái gốc” quy định pháp luật?

Đúng như vậy, vấn đề này chúng tôi phát hiện khi tham gia chương trình giám sát về TTHC của QH tại một số địa phương, đặc biệt tại TP lớn như TP. Hồ Chí Minh. Khi Nghị định ban hành các lại chồng chéo bất cập so với Luật. Giai đoạn 2 này, phải phát hiện ra vấn đề mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, của hệ thống pháp luật

- Vậy, CCTTHC có chỉ đơn giản là đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

TTHC nào cũng đi qua con người hết. Nếu chúng ta dừng lại ở TTHC mà không đặt vấn đề cái tâm cái tầm của viên chức hành chính thì chúng ta dù có bỏ thủ tục đi nữa thì họ cũng gây phiền hà được. Tôi nhận xét thế này, đến một số nơi mà bố trí cán bộ tốt, mặc dù thủ tục còn nhiều vấn đề nhiêu khê nhưng người cán bộ đó, lãnh đạo đó người ta hướng dẫn, người ta vận dụng, người ta nghĩ đến khó khăn của dân thì giải quyết vẫn tốt. Nhưng cái chỗ đã rất minh bạch rồi nhưng cán bộ đó có tư tưởng nhũng nhiễu thì cũng bày cách nhũng nhiễu được.

- Vậy theo ông, phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Chúng ta phải tiến tới cải cách bộ máy và vấn đề con người nữa. Đề án 30 đã đạt mục tiêu đề ra, có những đột phá và có tác dụng rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều trong thời gian tiếp theo

Bình An (ghi)

 

Quốc hội thông qua Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2011: Chỉ số giá tiêu dùng tăng không qúa 7%

Với tỷ lệ 84,58% ĐB tán thành, cuối giờ chiều qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH năm 2011.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2011 là: GDP tăng 7-7,5% so với năm 2010; kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 10% so với năm 2010. Nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch nhập khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 40% GDP; chỉ số giá tiêu dùng không quá 7%.

Về các chỉ tiêu xã hội, theo dự thảo Nghị quyết: tỷ lệ tuyển mới đại học tăng 6,5%; mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2%0 (phần nghìn); giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 17,3%;…

Đối với các chỉ tiêu về môi trường, Dự thảo nghị quyết nêu: tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng hợp vệ sinh 86%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 78%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 69%; tỷ lệ che phủ rừng 40%....

Dự thảo Nghị quyết cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chính trong chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển; thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế… Triển khai kịp thời các chính sách bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội; tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc; phòng chống tham nhũng, lãng phí….

PV