Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi): Xóa cơ chế xin cho trong khai khoáng

28/10/2010
Chiều qua (27/10), các ĐBQH đã một lần nữa phân tích, cho ý kiến về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), tập trung vào một số nội dung như quyền lợi người dân vùng khoáng sản và trách nhiệm của các doanh nghiệp khai khoáng; đấu giá thăm dò, khai thác khoáng sản; cấp phép, quy hoạch, xây dựng chiến lược khai thác khoáng sản…

Nhiều ĐBQH đề nghị nhà nước phải có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác. Thậm chí, cụ thể hóa trách nhiệm bắt buộc doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.

ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định dự thảo mới bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp và Nhà nước, còn quyền lợi người dân vùng khoáng sản được “cộng gộp” trong quyền lợi Nhà nước, trong khi chính người dân phải chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí qua nhiều thế hệ, do ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản nên cần có chương riêng.

Nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, đảm bảo quyền lợi cho người dân nơi có khoáng sản khai thác đã được điều chỉnh trong nhiều luật như Luật Đầu tư, thuế… Do đó, trong luật này chỉ nêu vấn đề nguyên tắc, các vấn đề cụ thể giao cho Chính phủ quy định theo từng mỏ khai thác cho chính xác.

Các ĐBQH còn đề nghị phải có chiến lược khai thác khoáng sản vì như lo ngại của ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai), tài nguyên nước ta dù đa dạng nhưng hạn chế tiềm năng. Nếu không khai thác tiết kiệm, có kế hoạch, chia sẻ cho các thế hệ thì sẽ lãng phí. Do đó cần có chiến lược khai thác với sự tham gia của các tổ chức chuyên ngành và cập nhật được chỉ số cạn kiệt của tài nguyên trên thế giới.

ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cũng nhận thấy, tài nguyên đang cạn kiệt nên cần quy định cụ thể một số loại khoáng sản không được xuất khẩu ở dạng thô như than, sắt, titan… hay cấm xuất khẩu đối với những khoáng sản qúy hiếm, liên quan đến các lợi ích khác của quốc gia như ý kiến của ĐB Tống Văn Thống (Lai Châu).

Đối với việc cấp giấy phép và đấu thầu thăm dò, khai thác khoáng sản, các ĐBQH đánh giá là biện pháp hữu hiệu để xóa bỏ cơ chế xin - cho, đảm bảo bình đẳng, lựa chọn được những nhà đầu tư có đủ năng lực, khuyến khích và xã hội hóa được hoạt động thăm dò khoáng sản vốn không có lợi nhuận và nhiều rủi ro. Tuy nhiên ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lưu ý, phải tách biệt các đơn vị thăm dò với khai khoáng, và tài liệu thăm dò cần được quy định là của Nhà nước./.

Huy Anh