Dự án Luật Tố tụng Hành chính và Luật Thanh tra (sửa đổi): Không thể “vin” vào khó khăn để “thoái thác” nhiệm vụ

25/10/2010
Quốc hội đã dành trọn ngày thứ 7 đầu tiên (23/10) trong Kỳ hợp thứ 8 để tập trung phân tích, đánh giá một lần nữa hai dự án Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) và Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chấm dứt tình trạng đùn đẩy xử lý khiếu kiện

Được đánh giá là dự luật quan trọng “mở đường” cho dân kiện “quan”, với nhiều đổi mới căn bản trong cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính, dự luật TTHC sau khi chỉnh lý đã đáp ứng được yêu cầu mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án hành chính và đổi mới mạnh mẽ thủ tục xét xử của toà án, bảo đảm được sự bình đẳng của công dân với cơ quan công quyền trước pháp luật.

Đa số các đại biểu tán thành phương án người dân có thể khởi kiện thẳng ra tòa mà không phải qua thủ tục khiếu nại hành chính lần đầu nếu không đồng tình với quyết định hành chính. Một số đại biểu khẳng định, đây là biện pháp mạnh giải quyết tình trạng đùn đẩy xử lý khiếu kiện hiện nay.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chỉ ra rằng, Nhà nước vốn có lợi thế hơn về quyền lực. Do vậy, muốn “cân bằng”, cần bổ sung thêm quyền cho các bên đương sự, trong đó quan tâm đến quyền của người khởi kiện. Theo ĐB Nguyệt, trong quy định về việc thu thập tài liệu, chứng cứ hiện nay chỉ phù hợp với bên bị kiện là cơ quan nhà nước. Còn các tổ chức, cá nhân mặc dù đã có quy định về quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) băn khoăn với tính hiệu quả của dự luật khi đối chiếu với những lần đi xem xét xử của toà án. Đại biểu Xuân cho rằng, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong bảo vệ quyền lợi của mình, vì thực tế trong những phiên xét xử, người dân “thấp bé” đứng ở dưới phải đối mặt với phía trước là các thành phần của toà án rồi người đứng đầu cơ quan hành chính (người bị kiện).

Mặt khác, trong cuộc sống và công tác rất có thể những người tham gia xét xử và người bị kiện lại có quan hệ tốt với nhau. Với những điều kiện như vậy, nếu luật không đưa ra những quy định tốt, người dân với kiến thức thua thiệt của mình sẽ rất khó bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cương quyết, không thể “vin” vào những khó khăn hiện nay của ngành Tòa án để “thoái thác” việc giải quyết bức xúc cho người dân. Theo Đại biểu Trừng, cải cách hành chính, giải quyết bức xúc cho người dân thì không thể “e ngại” cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước yếu kém. Tòa án có tự tin, có vượt qua được những thử thách này thì mới “mạnh” được, nếu không sẽ “yếu” mãi.

Các Đại biểu cũng đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn nữa giúp cho người dân dễ hiểu, dễ áp dụng vì Luật TTHC là một luật mới với những nội dung cải cách mạnh, “một số quy định mà người làm luật hiểu, còn người dân thì khó hình dung, áp dụng” nên khi đi vào thực tế sẽ có khó khăn.

Thanh tra làm gì khi Chính phủ sai phạm?

Vẫn là mối quan tâm đến tính độc lập của cơ quan thanh tra, tại buổi thảo luận tại Hội trường chiều ngày 23/10, các ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề này. Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) cho rằng, cơ quan thanh tra có vị trí, vai trò quan trọng, trong đó có đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy cần đảm bảo tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, nhất là của Thanh tra Chính phủ. “Cần quan tâm đến trường hợp, nếu Chính phủ sai phạm, Thanh tra Chính phủ sẽ có vai trò như thế nào?”.

Đó cũng là lo ngại của Đại biểu Lương Phan Cừ (Đắk Nông) khi tiên liệu "rồi đây chúng ta sẽ không thực hiện nếu như thông qua dự luật này". Bởi theo qui định "trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra", nhưng "nếu Thanh tra Chính phủ ra một kết luận thì Thủ tướng Chính phủ có thực hiện không? Các Bộ, các Cục, UBND các cấp cũng vậy, có thực hiện không? Không thực hiện thì xử lý như thế nào?".

Còn Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) ví công tác thanh tra như cái phanh của một bộ máy, “ngày xưa đi xe đạp thì phải phanh chân tốn sức, nay đi ôtô có phanh tự động, tốt hơn nhiều”. Vậy nên, “nếu vướng thì sửa Luật Tổ chức Chính phủ, điều này không có gì khó để cơ quan thanh tra có được tính độc lập cao, phát huy được vai trò của mình”. Nếu thanh tra chỉ theo kiểu “vỗ vai giúp nhau” thì “hiệu quả thanh tra cũng như thời gian qua thôi” - ông Thuyết lo ngại.

Cùng dòng quan điểm này, Đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.HCM) cũng cho rằng, trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra không phải chịu sự can thiệp của bất kỳ lãnh đạo TƯ, tỉnh, thành hay bộ, ngành nào./.

H.Giang - T.Hằng

Vấn đề khai thác bô-xít, đặc biệt là sau sau thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka (Hungary) đã trở thành đề tài “nóng” bên hành lang Quốc hội ngày 23/10.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết,lo ngại của nhân sĩ trí thức từ thảm hoạ vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là cần thiết. Chúng ta phải lắng nghe, thảo luận thêm, bàn bạc, dân chủ, đưa ra quyết định cuối cùng đạt được các mục tiêu hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Nhưng kết luận cuối cùng thì cần phải có thời gian vì đây là chủ trương đã được TƯ, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo.

Chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu về công nghệ, an toàn, môi trường trong tình hình thời tiết hiện nay để có quyết định chính xác, kịp thời. Tôi nghĩ, tại kỳ họp này chắc chắn sẽ có chất vấn về bô-xít và các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời về vấn đề này. Còn việc có dừng dự án hay không là vấn đề lớn, TƯ, Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét cụ thể sau”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh)

“Tôi nghĩ rằng cần phải xem xét vấn đề thận trọng. Với sự cố bùn đỏ ở Hungary, Quốc hội nên quan tâm và nên có báo cáo của Chính phủ. Tôi mong muốn Tập đoàn Than khoáng sản báo cáo một cách cụ thể với Quốc hội, cử tri về những biện pháp an toàn, biện pháp dự phòng nếu có sự cố xảy ra để làm sao thiệt hại nếu có là thấp nhất. Đây không phải là dự án Quốc hội biểu quyết mà Quốc hội chỉ cho ý kiến.

Phải báo cáo rõ các biện pháp áp dụng đã an toàn chưa? Ví dụ họ bảo dự án chịu được động đất cấp 7, nhưng nếu là cấp 8, cấp 9 thì sao? Trong trường hợp đấy phải dự đoán được tình hình như thế nào và chúng ta đối phó thế nào? Nếu ta có được phương án dự phòng tốt thì có thể vẫn cứ triển khai”.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

“Nếu Chủ tịch Quốc hội không có ý kiến phản hồi trên hội trường, tôi sẽ chất vấn vấn đề bô-xít tại hội trường, hoặc có thể phát biểu ngay tại bản Báo cáo của Chính phủ.

Việc giải trình của Chính phủ chưa thuyết phục, vì tôi nghĩ, giải trình trên báo chí chỉ là vấn đề dư luận. Còn đây là vấn đề khoa học, khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Đây cũng là một trong những vấn đề để đi đến nhiều việc khác nữa. Tôi lấy ví dụ, thông tin ngày hôm nay cho biết, Chính phủ đầu tư tiền để khai thác than, thăm dò than dưới khu vực đồng bằng. Dưới độ sâu như vậy, liệu chúng ta có đủ khả năng chưa? Trong khi đây là không gian cực kỳ quan trọng với dân cư, với đất nước. Đương nhiên việc thăm dò cứ phải làm, nhưng phương thức tổ chức một dự án lớn như vậy, tôi nghĩ chính bô-xít là một bài học để chúng ta có thể có được những quy trình làm dân chủ nhất, hiệu quả nhất và trách nhiệm cao nhất. Kể cả về phía Chính phủ, phía Quốc hội và phía người dân cũng phải có trách nhiệm về việc này”./.

H.G (ghi)