Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm: Phải lành mạnh hóa thị trường kinh doanh bảo hiểm

25/10/2010
Nhiều Đại biểu quốc hội đã đề nghị cần những qui định cụ thể và có tính răn đe để lành mạnh hóa thị trường kinh doanh bảo hiểm (KDBH) vốn rất nhiều tiềm năng ở nước ta, khi góp ý cho dự thảo Luật KDBH tại buổi thảo luận tổ chiều qua (21/10).

Ngăn chặn doanh nghiệp bảo hiểm “đi đêm”

Sau khi Luật Công chứng ra đời, các tổ chức hành nghề công chứng không thể mua được gói bảo hiểm nghề nghiệp cho công chứng viên theo qui định của Luật vì hầu hết các doanh nghiệp KDBH ở nước ta lúc đó chưa có gói BH đặc biệt này.

Vì luật không qui định bắt buộc phải có nên phải gần 4 năm sau ngày có Luật Công chứng mới có 2 doanh nghiệp KDBH bán gói BH trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.  Xuất phát từ thực tế đó, ĐB Ngô Thị Minh Hồng (TP.HCM) đề nghị đưa qui định về BH trách nhiệm nghề nghiệp vào dự thảo Luật nhằm đáp ứng những yêu cầu quản lý và nhu cầu của xã hội phát triển.

ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) cũng theo mạch này, đề nghị nên có BH cho ngành thuỷ sản, nhất là đối với hoạt động đánh bắt xa bờ, khuyến khích bảo hiểm nông nghiệp thông qua các chính sách nhà nước, như thuế, tái bảo hiểm để các DN tham gia. Đồng thời nên đưa BH ở vào luật để giúp nhà dân có thể xây dựng nhà ở đáp ứng các tiêu chí cao hơn

Cùng lý do, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) đặt câu hỏi, theo dự thảo Luật, nếu những gói BH mà Việt Nam không có “thì mua ở nước ngoài được không?”. Còn một thực tế nữa là khi kinh doanh một số loại hình BH bắt buộc, các DN thường không có lãi, mà hay lỗ nên phải lấy các gói BH khác để bù.

Hậu quả là để vươn lên trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, các DN BH không tuân thủ qui định, phải “đi đêm” với những khoản hoa hồng lên đến 50-60%. “Dự thảo Luật có “nhìn” thấy nhưng chưa sửa đổi nhiều trong các qui định. Cần cụ thể hóa hơn, có chế tài đủ sức răn đe, đảm bảo sự cạnh tranh bằng chất lượng, không phải bằng giá cả” – ĐB Dũng kiến nghị.

Để bảo hiểm tự nguyện không thành “bắt buộc”

Nhất trí với một số ĐB khác, ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng, nhiều loại hình BH tự nguyện nhưng đang trở thành “bắt buộc” do chưa được qui định cụ thể. Ông dẫn chứng trường hợp học sinh đã phải đóng BH y tế lại thêm cả BH thân thể. Dù là tự nguyện nhưng “nếu không đóng là không được”. Do đó cần xem xét điều chỉnh không thể để việc lợi dụng tình thế buộc người dân phải mua BH vì “điều đó là vô lý” – ông Hữu nhấn mạnh.

Hiện nay thị trường bảo hiểm đang có tiềm năng rất lớn. Nên khi bổ sung những điểm mới, cần có những hàng rào có thể là kỹ thuật để bảo hộ cho DN BH trong nước”. Đó là ý kiến của ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) khi đánh giá về dự thảo Luật KDBH.

Ông cũng lưu ý, trong khi có loại BH bắt buộc Nhà nước đầu tư, quan tâm, nhưng còn những “khoảng trống” khiến người tham gia BH luôn ở thế yếu, đi lấy BH mà như đi xin bố thí. Tình trạng này cần được chấm dứt với các qui định cụ thể và “sát” với thực tiễn hơn của dự thảo Luật KDBH.

Các ĐBQH cũng quan tâm đến nhiều vấn đề như mở rộng BH nông nghiệp, nông thôn, loại hình DN BH, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực KDBH, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ BH...

Theo chương trình, dự thảo Luật KDBH sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận tại hội trường vào chiều 26/10 tới./.

Huy Anh

Hiện có 50 DN BH và môi giới BH đang hoạt động ở nước ta, trong đó có 24 DN có vốn nước ngoài và 26 DN trong nước. Tổng số tiền các DN BH đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế từ năm 2001 đến năm 2009 tăng hơn 10 lần, từ gần 6.000 tỷ đồng lên 66.905 tỷ đồng. Năm 2009, các DN BH đã bồi thường và trả tiền BH số tiền gần 9.700 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2009 số lượng lao động ngành BH đạt 182.000 lao động (trong đó đại lý BH là 164.591 người).