"Chốt” 18 cơ chế đặc thù cho thủ đô: Điều chỉnh các cơ chế đặc thù (Bài 1)

20/10/2010
Sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, đến nay, dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) còn lại 35 điều qui định 18 cơ chế đặc thù (giảm 2 cơ chế so với các dự thảo trước) cho Thủ đô. Trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, sáng ngày 16/10, lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Tư pháp đã cùng thống nhất những vấn đề cuối cùng của dự thảo Luật này.

Bỏ qui định mức trần phạt tiền

Trưởng Ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, việc lược bỏ một số điều khoản đặc thù (về chính sách thu hút nguồn nhân lực, thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND, quy hoạch đê điều và công trình trên địa bàn Hà Nội, thẩm quyền quyết định điều chỉnh cục bộ qui hoạch chung Thủ đô, nguyên tắc áp dụng pháp luật) không làm ảnh hưởng đến nội dung cơ bản, cũng như quan điểm chỉ đạo việc xây dựng, ban hành của dự thảo luật, do những vấn đề này đã được pháp luật đã qui định, đã được phân cấp, đảm bảo sự thống nhất quản lý của Chính phủ, đặc biệt là vai trò của các Bộ, ngành trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô…

Bên cạnh đó, dự thảo được bổ sung nội dung bảo vệ Thủ đô và thiết kế điều 25 mới về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhằm bảo đảm theo nguyên tắc: việc xây dựng Thủ đô phải gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô. Dự thảo lần này giao Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô thay vì qui định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như trong dự thảo trình UBTVQH vì Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô có tầm quan trọng hơn so với Qui hoạch chung Thủ đô.

Cũng được chỉnh sửa cho phù hợp với ý kiến các cơ quan chức năng, dự thảo bỏ qui định mức trần phạt tiền không quá 5 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính tại khoản 2 điều 25 và không có 3 lần đối với mức thu phí tại khoản 3 điều 26. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho HĐND TP có thể qui định một cách linh hoạt đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, có 3 nội dung được ban soạn thảo đề nghị giữ lại là danh hiệu công dân danh dự của Thủ đô; chính sách, cơ chế tài chính; và thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật của chính quyền Thủ đô.

Thống nhất vì lợi ích chung

Điều 2 dự thảo LTĐ khẳng định Thủ đô là “đô thị đặc biệt, đầu não chính trị - hành chính quốc gia của cả nước”. Vị trí đặc biệt này đã làm cho Thủ đô khác với các tỉnh, TP khác nên cần có những cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững trước yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước ngày càng cao hiện nay.

Đó là quan điểm được thống nhất tại cuộc họp quan trọng này, trên cơ sở nhận định, một số qui định pháp luật hiện hành đang là “rào cản” đối với quá trình vươn mình của Thủ đô trong điều kiện mở rộng địa giới hành chính và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh với quá trình hội nhập sâu rộng.

Do đó, không chỉ các cơ quan chức năng mà người dân cũng rất quan tâm đến dự thảo luật đặc biệt này. Đại diện UB MTTQ TP khẳng định, dư luận rất quan tâm đến việc soạn thảo LTĐ và mong muốn có LTĐ vì có quản l‎ý tốt thì Thủ đô mới TP phát huy được tốt nhất tiềm năng và thế mạnh để phát triển bứt phá.

Tuy nhiên, liên quan đến những qui định đặc thù cho Thủ đô, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Chu Sơn Hà  lưu ý: “Đây là lần đầu tiên từ khi Luật Ban hành VBQPPL 2008 có hiệu lực, có một dự thảo Luật áp dụng qui định “một luật sửa nhiều luật”. Nên cần rà soát hơn nữa các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là những cơ chế còn vướng mắc, những vấn đề lịch sử để lại đưa vào luật. Có như vậy để LTĐ có sức sống lâu hơn với các qui định điều chỉnh cả vấn đề trước mắt và lâu dài, điều chỉnh hài hòa, hợp lý các vấn đề của một đô thị đặc biệt như Thủ đô”./.

Huy Anh

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: “Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh, nhưng chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh. Nếu không có giải pháp kịp thời để xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan. Nếu các luật khác đã đầy đủ thể chế cho Hà Nội rồi thì Hà Nội không “xin” thêm gì nữa. Làm LTĐ là trên cơ sở tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển tốt trên nền tảng đã có, đồng thời làm cho hệ thống pháp luật thêm hoàn thiện, vừa vì cái chung, vừa vì quyền lợi của mỗi công dân. Quá trình soạn thảo LTĐ không dễ dàng nhưng đến nay đã ở bước được chấp thuận.

So với các địa phương khác, Hà Nội có những quyền hạn ngang bằng, nhưng cũng có những quyền hạn và trách nhiệm khác với các địa phương khác. Tuy nhiên, có những quyền hạn đã được thể chế hóa, nhưng còn có những điều chưa đạt được. Quản lý một xã hội lại cần những yêu cầu chính thức ấy để vận dụng. Do vậy, dự thảo LTĐ được xây dựng bắt nguồn từ yêu cầu chính đáng cấp bách của việc quản lý Thủ đô về mọi phương diện. Để tạo được đột phá trong quản lý, dự thảo LTĐ phải phản ánh được tư duy mạnh dạn hơn nữa trong phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cho Hà Nội, đây là nhiệm vụ cấp bách. Với cơ chế do dự luật đặt ra hiện nay, nếu Hà Nội lạm quyền, Chính phủ sẽ không cho phép”.

* Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh: Ban soạn thảo cần sớm chuẩn bị các nghị định đi kèm LTĐ để các cơ quan chức năng có thời gian nghiên cứu, cho ý kiến. Khi luật được QH thông qua rồi, có nghị định hướng dẫn triển khai ngay thì luật mới có tính ứng dụng cao.

* Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo: Để LTĐ đi vào đời sống, đem lại lợi ích chung cho người dân trên địa bàn Thủ đô và cả nước, chất lượng tiếp tục phải ưu tiên hàng đầu. Trong đó, vấn đề cần lưu ý đầu tiên là luật giao cho Thủ đô quyền, nhưng cũng cần gắn những đòi hỏi với Thủ đô và không trái Hiến pháp./.