Lo ngại chất lượng bằng cấp cán bộ công chức

13/10/2010
Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010, đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước trong cơ chế mới. Đó là yếu kém lớn nhất trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cho dù công tác đào tạo, bồi dưỡng vẫn được tăng cường.

“Lách” thi tuyển

Đánh giá chủ quan của Bộ Nội vụ cho rằng, một trong những hạn chế khiến chất lượng đội ngũ CBCC vẫn đang là mối lo ngại lớn chính là công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt CBCC thời gian qua chậm thay đổi. Bên cạnh đó, việc đánh giá kết quả công tác của từng CBCC chậm được áp dụng phương pháp khoa học để thay thế phương pháp đánh giá dựa vào tập thể hiện nay.

Ông Đinh Duy Hòa (Vụ trưởng Vụ CCHC – Bộ Nội vụ) thừa nhận một thực tế gay go khi  “dù qua nhiều cải cách vẫn có đến 30-35% CBCC xã chưa qua đào tạo”, nhất là về kiến thức quản lý nhà nước mới với kỹ năng, nghiệp vụ hành chính. Đây là đội ngũ trực tiếp làm việc với dân, họ được coi là “CB gốc”, nhưng với tình trạng nêu trên thì còn rất lâu và cần nhiều cuộc cải cách nữa, CBCC mới đủ trình độ để giải quyết yêu cầu của dân.

Hiện nay, có hai hình thức tuyển chọn CC là thi tuyển và xét tuyển. Nhưng cả hai hình thức này vẫn đang ở thế “bấp bênh”, không thể giúp chọn được nhân tài thực sự vào bộ máy Nhà nước. Yêu cầu về thi tuyển CC, viên chức (VC) đã khiến các địa phương “dở khóc dở mếu”. Theo qui định, ngoài môn thi chung là ngoại ngữ, tin học và quản lý hành chính Nhà nước, các thí sinh còn phải qua bài thi chuyên ngành đối với vị trí công tác ứng cử.

Tuy nhiên, đến nay ngành Nội vụ vẫn chưa thể có một “ngân hàng đề” nên cứ “đến hẹn lại lên”, khi tổ chức thi tuyển CCVC, các địa phương phải tự “mua đề”, trong khi mỗi kỳ thi tuyển có hàng chục chuyên ngành, bộ môn khác nhau, không kể mỗi chuyên ngành lại cần một Hội đồng chấm thi riêng. Từ đây, vấn đề “tốn kém” đã tạo thêm một gánh nặng cho nguồn ngân sách vốn không dư dả của các địa phương, nhất là ở vùng sâu vùng xa hay vùng khó khăn, mà có khi chỉ tuyển được một vài CCVC!

Ngoài ra, do một bộ phận CC làm việc các cơ quan Đảng, đoàn thể chưa xác định được rõ ràng vị trí pháp lý nên việc thi tuyển, xét tuyển vào gần như rất dễ dàng, tạo thành “đường tiểu ngạch” cho những người muốn trở thành CC của các cơ quan chính quyền nhưng muốn tránh thi tuyển rắc rối, bằng cách “lách” tuyển vào khối cơ quan Đảng, đoàn thể rồi mới chuyển sang khối chính quyền.

Xét tuyển là “kẽ hở thương mại”

Thực vậy, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Nguyễn Trọng Nam nhận thấy, hình thức xét tuyển (thông qua kết quả học tập) là bất hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Thậm chí, hình thức xét tuyển còn bị đánh giá là “chỗ hở” thương mại hóa cho các cơ sở đào tạo trong việc chạy điểm” và thực tế cũng đã chứng minh điều đó.

Theo qui định, khi xét tuyển thì lấy điểm từ cao xuống thấp dẫn đến thực trạng, sinh viên các trường “topten” (đầu vào và quá trình học khó) thì “bật ra hết”, còn sinh viên tốt nghiệp các trường có chất lượng “tốp dưới” hay có qui trình quản lý “nới lỏng” thì có tỷ lệ đỗ cao, khiến ngành Nội vụ đành chịu “bó tay”.

Một kết luận đã được đúc rút từ cả thực tiễn và lý thuyết là “Đánh giá người tài qua bằng cấp là hạn chế lớn nhất” nhưng nếu với việc thực hiện hình thức xét tuyển hiện nay thì “hạn chế lớn nhất” này vẫn không thể khắc phục. Và nghịch lý là bằng cấp, chứng chỉ ngày càng nhiều nhưng chất lượng về chuyên môn của CBCC có bằng cấp, chứng chỉ lại đang là vấn đề đáng lo ngại của nền hành chính nước ta ngay trong thời kỳ cải cách.

Đã có không ít ví dụ về những CBCC, thậm chí có chức vụ, học hàm hẳn hoi cũng “chạy bằng”. Hệ lụy từ việc “trọng bằng cấp” nhìn thấy được là chất lượng không tỷ lệ thuận với tốc độ “bung” ra của các cơ sở đào tạo, còn không ít CBCC “giắt” đầy bằng cấp quanh mình mà đơn vị chịu không biết phân công làm gì vì “việc gì cũng không biết”.

Hơn nữa, như nhận định của Phó Giám đốc Sở Nội vụ Sơn La Nguyễn Hải Nhiệt, tiêu chuẩn chức danh hiện mới phản ánh bằng cấp, hồ sơ lý lịch, chưa thể hiện thực tế năng lực, nên người nhiều bằng cấp sẽ được bổ nhiệm, mới có trường hợp “đầu năm là phó phòng cấp huyện, cuối năm làm bí thư huyện ủy”. Với tình trạng này, thật không ngoa khi cho rằng, “làm cán bộ lãnh đạo dễ nhất, ai cũng làm được” như ông Nhiệt lo ngại.

Tình trạng này cũng được xác định là bắt nguồn từ nguyên nhân rất điển hình là tính qui hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng CBCC chưa cao, “đào tạo không theo địa chỉ”, mà chủ yếu chạy theo số lượng, sở thích của CBCC, “hết lớp nọ đến lớp kia” theo yêu cầu công tác CB nhưng lại chồng chéo. Ngoài ra, cũng do chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn cho từng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nhìn lại 10 năm thực hiện cải cách về CBCC, ngay từ khâu “đầu vào” của đội ngũ CBCC vẫn “duy trì” nhiều hạn chế, bất cập, còn vì “công tác CB chưa được quan tâm đúng mức” như nhận định của Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Văn Thiệp. Liệu trong 5 năm tới, có đạt được mục tiêu “100% các cơ quan hành chính thực hiện cơ cấu CC theo vị trí việc làm, khắc phục xong về cơ bản tình trạng CC, kể cả CC cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo chức danh” hay không thì còn “cần nghiên cứu thêm”./.

Huy Anh

Trong 10 năm qua, khoảng 4,8 triệu lượt CBCC được đào tạo, bồi dưỡng (về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, ngoại ngữ và tin học). Trong năm 2004, có gần 292.000 ĐB HĐND các cấp được bồi dưỡng trang bị kiến thức và kỹ năng hoạt động. Trong các năm 2006-2008 đã cử 42.800 lượt CC hành chính, lãnh đạo, quản lý và cử 27.180 chuyên gia đầu ngành, CC nguồn đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, tăng gấp hơn 4,2 lần so với giai đoạn 2001-2003.