Dự án Luật Tố tụng hành chính: Khắc phục tình trạng “hoãn đi, hoãn lại”

06/10/2010
Sau 9 ngày làm việc liên tục, hôm qua (5/10) phiên họp thứ 35 của UBTVQH đã kết thúc. Trước đó, UBTV đã cho ý kiến lần cuối vào Dự thảo Luật Tố tụng hành chính trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ Tám tới đây.

Lần thứ hai vắng mặt coi như từ bỏ

Theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành “người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa”. ”Quy định như vậy dẫn đến tình trạng các đương sự lần lượt xin hoãn nhằm cố tình kéo dài thời gian xét xử, gây khó khăn cho Tòa án trong việc tổ chức xét xử vụ án, đồng thời gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của các bên đương sự” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba nhận xét. Nhiều đương sự ”vin” lý do ốm (bây giờ để lấy cái giấy chứng minh ốm không hề khó) mà yêu cầu hoãn đi hoãn lại, bà Ba nói thêm.

Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo quy định theo hướng: triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt có lí do chính đáng thì hoãn phiên tòa; triệu tập lần thứ hai, nếu vắng mặt thì đối với người khởi kiện mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn).

 Đối với người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

 Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cơ bản đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp ”phải quy định làm sao để có một ”điểm dừng” nếu không các bên cứ thay nhau xin hoãn vụ án sẽ kéo dài bất tận” nhưng đề nghị cơ quan thẩm tra lưu ý những trường hợp bất khả kháng (thiên tai, ốm đau...).

Cung cấp chứng cứ trong vòng 15 ngày

Thực tế trong các vụ án dân sự cũng như hành chính, khó khăn nhất cho các đương sự khi tự mình phải đi thu thập chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Bởi lẽ, các chứng cứ đó nằm trong tay cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Dự thảo đã dành một chương quy định về vấn đề này.

Quy định trách nhiệm cung cấp chứng cứ nhưng để tránh tình trạng các cơ quan tổ chức ”dây dưa” kéo dài thời gian, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể thời gian tối thiểu yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức phải cung cấp chứng cứ cho đương sự. Theo đó, “cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện Kiểm sát trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu”.

Thu Hằng