Tình hình kinh tế - xã hội năm 2010: Tăng trưởng nhưng vẫn… lo

04/10/2010
Chính phủ tỏ ra lạc quan với những chỉ tiêu kinh tế đạt được trong năm 2010 nhưng cũng thừa nhận những khuyết điểm trong quản lý điều hành ở các cấp.

Cuối tuần qua, UBTVQH đã nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự kiến năm 2011 và phương án phân bổ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2011; định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

16/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Tại Tờ trình, Chính phủ cho biết: năm 2010, nền kinh tế phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn, trong tổng số 21 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm 2010, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và phát triển KTXH, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Tăng trưởng kinh tế cả năm khả năng đạt 6,7%, cao hơn kế hoạch (6,5%) và cao hơn khá nhiều mức tăng 5,32% năm 2009. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm nhiều khả năng được kiềm chế ở mức dưới 8%, tuy cao hơn chỉ tiêu 7% trong Nghị quyết của Quốc hội, nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế vào đầu năm.

 Ủy ban Kinh tế cũng ghi nhận: thu ngân sách 2010 đạt kết quả khá cao, dự kiến vượt dự toán khoảng 58.600 tỷ đồng, tương đương 12,7% dự toán, tăng gần 18% so với năm 2009. Đây là cố gắng rất lớn của hệ thống doanh nghiệp và công tác quản lý thu của Nhà nước trong điều kiện doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn trong năm 2010. Dự kiến bội chi ngân sách khoảng 5,95% GDP, thấp hơn khá nhiều chỉ tiêu 6,2% của Quốc hội.

Các lĩnh vực khác như cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành, lĩnh vực xã hội...cũng đạt nhiều kết quả. Trong đó, đáng chú ý tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 9,5% từ mức 11,3% năm 2009.

 Chính phủ cũng thừa nhận những yếu kém và chỉ ra ngoài nguyên nhân khách quan là “khuyết điểm chủ quan trong quản lý điều hành ở các cấp, các ngành”.

Chia sẻ với Chính phủ, nhưng Ủy ban Kinh tế cũng tỏ ra quan ngại, quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng bộc lộ rõ sự bất cập mà điển hình là vụ việc xảy ra ở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy (Vinashin). Mà lý do được chỉ ra cơ chế kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời...

Cần chú trọng chất lượng tăng trưởng

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong tăng trưởng kinh tế, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn tỏ ra lo ngại: Tốc độ tăng trưởng 6,7% chỉ đáng mừng nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Hiện tại, với mức lạm phát tăng đột biến trong tháng 9, đưa lạm phát 9 tháng đạt 6,46%, cả năm chắc chắn khó có thể thấp hơn 8% thì là “có vấn đề” chứ không thể mừng được.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền chung nhận định: Nhập siêu tuy đạt mục tiêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng số tuyệt đối dự kiến vẫn là 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2009, nếu loại trừ đá quý, kim loại quý xuất khẩu thì nhập siêu vẫn trên 22%. Đây là yếu tố chính làm cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% so với GDP

Cũng theo ông Hiền, hệ số giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục đà suy giảm, (năm 2008 là 0,62; năm 2009 là 0,53; năm 2010 dự kiến là 0,43) cho thấy tốc độ tăng giá trị gia tăng không tương xứng với tốc độ tăng quy mô sản xuất, phản ánh chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện.

Chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự kiến được kiểm soát dưới 8% nhưng diễn biến không ổn định trong năm, mức tăng bình quân CPI theo tháng ( cao điểm nhất tháng 9) gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Về mục tiêu phát triển KTXH năm 2010, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, không nên ”chạy” theo tăng trưởng cao mà không đạt chất lượng.

Huy Hoàng

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/12/2009 tổng số dư nợ công bằng 52,6% GDP, ước đến 31/12/2010 nợ công sẽ là 56,7% GDP. Chính phủ cho rằng, nợ công ngắn hạn vẫn còn ở mức an toàn. Tuy nhiên, theo phân tích Ủy ban Tài chính ngân sách, mức dư nợ công khá cao cho thấy độ an toàn tài chính quốc gia sắp vượt ngưỡng cho phép. Ủy ban này đề nghị Chính phủ trình Quốc hội khống chế nợ công không vượt quá 60% GDP.