Tổng kết Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm: Giảm hơn 10% số vụ phạm pháp hình sự

04/10/2010
Đánh giá 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP, chương trình quốc gia phòng chống tội phạm (PCTP) giai đoạn 1998-2010 được tổ ngày 30/9, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 138/CP cho biết: từ năm 1998 đến hết 6 tháng đầu năm 2010 cả nước phát hiện 953.135 vụ phạm tội các loại, giảm gần 103 ngàn (bằng 10.07%) so với giai đoạn 1986-1997.

“Tội phạm có tổ chức tuy hoạt động không công khai, trắng trợn như trước nhưng tính chất nghiêm trọng, quyết liệt, manh động hơn, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng và hung khí xu hướng gia tăng”, ông Tiệm cho biết thêm.

Đặc biệt, tội phạm cướp, cướp giật, chống người thi hành công vụ, trả thù, thanh toán nhau, tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh sinh viên… tăng và rất đáng báo động. Rất nhiều vụ án có tính chất man rợ, các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội chiếm trên 90%, trong đó 21% là các vụ án giết hại người thân trong gia đình.

Đáng báo động, thời gian qua xuất hiện một số loại tội phạm mới như xâm phạm quản lý kinh tế như lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo qua mạng Internet, trộm cắp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông, tội phạm về chứng khoán, môi trường… đáng chú ý là tội phạm tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Theo thống kê, 12 năm qua, cả nước đã điều tra, khám phá 694.771, bóc gỡ nhiều tổ chức đường dây tội phạm nghiêm trọng, triệt phá gần 1 ngàn tụ điểm phức tạp về ma túy. So với năm 2007, cả nước giảm gần 40 ngàn người nghiện ma túy. Đến nay, gần 40% xã, phường không có người nghiện, cơ bản các địa phương đã xóa bỏ được cây thuốc phiện.

“Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP, chương trình quốc gia PCTP, chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng” - Thứ trưởng Lê Thế Tiệm nhấn mạnh. Tuy nhiên, cũng theo ông Tiệm, còn nhiều hạn chế trong công tác PCTP như một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sát, thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền phát động quần chúng tham gia PCTP chưa thực sự sâu rộng. Mặt trận và các đoàn thể một số nơi chưa thể hiện rõ vai trò trong giáo dục, cảm hóa người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Các giải pháp phòng ngừa chưa được phối hợp… còn hạn chế.

Với nhận định thời gian tới, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, điều kiện phát sinh tội phạm lớn, Ban chỉ đạo 138/CP đưa ra các giải pháp trọng tâm. Trong đó đáng chú ý là tiếp tục, hoàn thiện, xây dựng thể chế, tăng cường công tác tuyên truyền, và củng cố bộ máy cơ quan PCTP.

Thu Hằng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nêu rõ, các cấp, các ngành phải xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Phải biết dựa vào sức mạnh của quần chúng ở cơ sở; tiếp tục xây dựng mô hình tốt, nhân rộng và khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình về phòng chống tội phạm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong phát hiện, điều tra, truy tố xét xử cũng như đánh giá, tổng kết tìm ra những tồn tại yếu kém để khắc phục kịp thời.