Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tranh chấp nhỏ, sẽ xét xử theo thủ tục đơn giản

30/09/2010
“Với những vụ việc nhỏ mà đợi hoàn tất theo trình tự thủ tục tố tụng  thì có khi chẳng còn dấu vết” - là nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khi nói về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng (NTD) và tổ chức cá nhân kinh doanh theo Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được trình UBTVQH hôm qua 29/9.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII và tại phiên họp thứ 33 UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu về dự án Luật này.

Báo cáo giải trình hôm qua tập trung vào các vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau đối tượng, phạm vi điều chỉnh; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD; trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi NTD; vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi NTD...

Đặc biệt, trong khi dự thảo lần trước quy định giải quyết khiếu nại bằng con đường hành chính thông qua UBND thì dự thảo lần này đã sửa đổi quan trọng “không quy định giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính”.

Đề cao giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, dự thảo Luật quy định Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện thành lập tổ chức hòa giải hoạt động chuyên nghiệp để giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để xã hội hóa công tác giải quyết tranh chấp và giảm tải cho Tòa án. Ngoài ra, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định việc thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải để tránh phát sinh Trung tâm hoà giải là những tổ chức lợi nhuận trá hình hoặc là các công cụ cạnh tranh không lành mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đồng tình với việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà giải. Tuy nhiên, ông Thuận cũng cho rằng, đối với các trường hợp hàng hoá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ NTD thì không thể giải quyết thông qua hoà giải mà cần có hình thức khác để bảo vệ quyền lợi NTD.

Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, thực tiễn cho thấy các tranh chấp của NTD thường là đơn lẻ, có giá trị không lớn,… trong khi trình tự, thủ tục giải quyết các vụ kiện dân sự tại toà án theo tố tụng dân sự hiện hành còn phức tạp, kéo dài. Để khắc phục tình trạng trên và để nâng cao vai trò của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD, Dự thảo Luật quy định về áp dụng thủ tục xét xử đơn giản đối với các tranh chấp của NTD với các tổ chức cá nhân kinh doanh, quy định cụ thể các đặc thù trong giải quyết vụ án bảo vệ quyền lợi NTD có sự tham gia của tổ chức xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo: “Với những vụ việc nhỏ mà đợi hoàn tất theo trình tự thủ tục tố tụng hiện nay thì có khi chẳng còn dấu vết hay bằng chứng gì mà xét xử, trong khi đó việc sửa đổi BLTTDS cần một khoảng thời gian rất dài”. Phó Chủ tịch ủng hộ trước mắt cần quy định thủ tục xét xử đơn giản trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Bình An