“Chốt” 18 cơ chế đặc thù cho thủ đô: Hài hòa hóa những điểm “nóng” (Bài 2)

20/10/2010
Tại dự thảo Luật Thủ đô sẽ trình Quốc hội, những vấn đề dư luận rất quan tâm như đặc thù trong quản lý dân cư, mức thu phí, ban hành VBQPPL… mà dự thảo Luật dành cho chính quyền Thủ đô đã được điều chỉnh nhằm hạ nhiệt, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc xây dựng dự thảo Luật này.

Hạn chế qui mô dân cư là vì mọi người

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ đạo: “Phải có biện pháp để điều chỉnh dân cư bao nhiêu là vừa, cân đối giữa qui mô dân cư và điều kiện hạ tầng, mà điều này là làm vì mọi người, là trách nhiệm xã hội đối với người dân chứ không phải hạn chế quyền cư trú của công dân”.

Do vậy, dự thảo Luật giao cho Chính phủ ban hành qui định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với qui mô, mật độ, cơ cấu dân cư hợp lý theo qui hoạch chung Thủ đô; các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành với mục tiêu “hút” dân ra ngoại thành, giãn mật độ dân số trong nội thành.

Qui định này là rất cần thiết, bảo đảm tính hợp hiến vì “Công dân có quyền tự do… cư trú ở trong nước… theo qui định của pháp luật”, có nghĩa là dành quyền cho VBQPPL qui định mà LTĐ sau khi được ban hành sẽ là một VBQPPL. Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội (2000) thậm chí còn giao cho HĐND, UBND TP ban hành các qui định về quản lý di dân, các biện pháp kiểm soát và hạn chế nhập cư tự phát vào Thủ đô.

Đây không phải là biểu hiện của tình trạng “không quản được thì cấm”. Ông Nghị nhấn mạnh, “cấm cũng là một trong những biện pháp quản lý, không nên lạm dụng, không coi “cấm” biện pháp duy nhất nhưng cần thì vẫn phải cấm, nếu các biện pháp khác chưa đủ thì sẽ hướng được đến mục tiêu chung là vì sự phát triển xã hội”. Thực tế, nếu cứ để di dân tự do vào Thủ đô thì sẽ cản trở điều kiện sống vì mất cân đối qui mô dân số với các điều kiện khác. Thực tế đã chứng minh, những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng do tình trạng quá tải dân cư ở nội thành, gây ra những sức ép về kinh tế, xã hội, giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Phạt nặng để “giáo dục”

Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn có vấn đề “cái chung – cái riêng”. Vấn đề đảm bảo hài hòa mối quan hệ này luôn được đặt ra trong việc xây dựng LTĐ, nhất là trong vấn đề qui định về mức phí và mức phạt hành chính.

“Sứ mệnh” của chế tài - được áp dụng cho mọi chủ thể trong xã hội - là để hạn chế những hành vi không được khuyến khích, cản trở sự phát triển chung của xã hội, và cũng là để tôn trọng sự phát triển của xã hội. Như vậy, không thể đồng nhất người vi phạm cũng như những người dân khác.

Từ đó, nhiều ý kiến đã đồng tình cần phạt cao (như qui định trong dự thảo LTĐ) để thay đổi ý thức của người dân, đến khi tự giác chấp hành qui định chung. Trong quá trình này, có thể phải “hi sinh” một thiểu số có hành vi không đáng khuyến khích sẽ có lợi cho toàn xã hội.

Từ quan điểm trên, việc chính quyền Thủ đô có quyền qui định mức phí cao hơn trong hai lĩnh vực môi trường và giao thông vận tải và áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú so với mặt bằng chung của cả nước nhằm bảo vệ những lợi ích chung của cả cộng đồng.

Với mức thu phí và mức phạt tiền cao sẽ giúp người dân có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, cũng như hạn chế những vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực đó. Đặc biệt, với tình hình người vi phạm giao thông nhiều như hiện nay, “không thể viện lý do dân nghèo để không phạt nặng, mà phải phạt nặng để người tham gia giao thông ý thức hơn, từ đó có ít người bị phạt”.

Đặc biệt, đối với các phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) lưu thông ở nội thành dự kiến sẽ bị thu phí để khuyến khích người dân sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng, giảm lượng phương tiện lưu thông, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí. Thực tế, qua kinh nghiệm nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Thụy Điển… đã cho thấy biện pháp này có phát huy hiệu quả, có thể áp dụng ở nước ta.

Đồng thời, nguồn thu từ các khoản đó cũng được sử dụng để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông phục vụ nhu cầu của cộng đồng.

Theo kế hoạch, dự thảo LTĐ hoàn chỉnh sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vào ngày 16/11./.

Huy Anh

Dự thảo LTĐ còn dành cho Thủ đô chính sách ưu đãi về tài chính để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn của Thủ đô, đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính; cho phép UBND TP xây dựng, trình HĐND TP ban hành VBQPPL để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; đưa ra một số qui định về tạo lập bộ mặt không giam Thủ đô; qui định nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô…/.