Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội: Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân trong các sai phạm

25/10/2010
Hôm qua 22/10, Quốc hội dành một ngày để thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước 2010. Nhiều vấn đề được dư luận cả nước quan tâm đã được Đại biểu Quốc hội “truy” tới tận cùng.

“Truy tìm” nguồn cơn của lũ.

Những ngày sắp khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII miền Trung xảy ra đợt lũ lịch sử gây thiệt hại rất lớn cả về người và của. Mang những nỗi đau của bà con vào Nghị trường, các Đại biểu Quốc hội đã rất gay gắt khi truy nguồn cơn của lũ lụt.

Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cho rằng thiên tai ngày càng tăng có nguyên nhân trực tiếp từ đất rừng. Ông Danh dẫn chứng báo cáo của Chính phủ tính đến cuối năm 2010, độ che phủ rừng đạt 39,5%, theo Nghị quyết đề ra là không đạt. “Đây là hệ quả của việc diện tích rừng bị thu hẹp .Cần có biện pháp tăng cường tỉ lệ che phủ và đẩy mạnh giao đất giao rừng”, ông Danh đề nghị.

Liên hệ giữa việc che phủ rừng và xây dựng các nhà máy thủy điện, ông Danh chỉ trích việc quy hoạch nhà máy thủy điện phải đi cùng với tính toán về nguồn nguyên liệu tạo ra nước cho nó - tức là rừng thì chúng ta lại chưa làm; Ông Danh dứt khoát “trong quy hoạch thì phải có vùng nguyên liệu cho thủy điện; Vấn đề này, theo Đại biểu đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ nhưng chưa được giải quyết”.

Đại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) cũng bức xúc về chuyện cho các công ty của nước ngoài thuê đất rừng mà dư luận đã phản ánh nhiều trong thời gian qua. Trong khi người dân không có đất để trồng rừng thì đất rừng lại bị cho thuê rất khó kiểm soát. Ông Nhơn đề nghị Chính phủ cần kiên quyết thu hồi diện tích đất cho thuê để đảm bảo sản xuất trong nước và an ninh quốc phòng.

Cũng đề cập đến các công trình thủy lợi,  bà H’Luộc N’Tơ (Đăk Lăk) dẫn chứng trên địa bàn tỉnh này có 607 đập thủy điện lớn nhỏ. Tuy nhiên, đến nay hệ thống này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. “Chính phủ nên cho phép địa phương tạo nguồn thu để bảo dưỡng các đập này, vừa phòng thiên tai vừa đảm bảo sản xuất cho bà con”

Nhận lỗi vẫn chưa hài lòng

Về vụ việc của Vinashin, mặc dù ngay trong phiên khai mạc Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã nhận trách nhiệm và cho biết “đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn”, nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội vẫn tỏ rõ sự không hài lòng.

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) nói không ngần ngại: Nguyên nhân chủ quan là Chính phủ và các cấp quản lý vĩ mô chưa tốt nên xảy ra tình trạng tồn tại, thất thoát trong các công trình, mà điển hình là vụ Vinashin. “Dù cơ quan pháp luật đã bắt 1 vài  người và Chính phủ đã giải trình nhưng cử tri vẫn chưa thấy hài lòng bởi trách nhiệm cá nhân của người quản lý thế nào thì chưa rõ. Không thể nói chung chung là trách nhiệm của Chính phủ được”, đại biểu Kinh cương quyết.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đồng tình: còn quá nhiều sơ hở bất cập trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, ví dụ như quản lý vốn tài sản nhà nước. Bà Nga chỉ rõ nguyên nhân do chậm hoàn thiện về thể chế, còn tình trạng buông lỏng trong quản lý. “Vụ Vinashin đó, lúc nào cũng thấy kêu thiếu vốn nhưng thực tế là đầu tư dàn trải, trong khi lại đem đầu tư vào ngân hàng”. Bà Nga cũng cho rằng “Chúng ta luôn nói cơ chế còn nhiều bất cập nhưng phải chỉ ra cơ chế ở đây cụ thể là gì vì suy cho cùng cơ chế cũng do ta đẻ ra. Nếu không bằng thanh tra, kiểm tra, giám sát thì coi như ta “đóng dấu” cho các sai phạm này”

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng bức xúc không kém khi chỉ ra căn nguyên của “bệnh nói giỏi hơn làm”. Biện pháp đề ra nhưng không thực hiện mà không thực hiện được mà cũng chẳng ai bị làm sao. “Kỷ cương yếu, kỷ luật chưa nghiêm” là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm nhưng không bị xử lý.

Thu Hằng - Hương Giang

Trong nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2011. Chính phủ nêu rõ sẽ tăng cường quản lý giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá, nhất là giá các nguyên liệu đầu vào quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, than đi đôi với phấn đấu giảm chi phí sản xuất và khai thác, nâng cao năng suất, hạ giá thành của các sản phẩm này; đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ phù hợp.