Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Kinh tế phục hồi và tăng trưởng cao

21/10/2010
Hôm qua, 20/10, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế xã hội (KTXH) và nhiệm vụ năm 2010. Đánh giá kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng cao nhưng Chính phủ cũng chỉ ra những yếu kém, mà một phần nguyên nhân do thể chế, chính sách thiếu đồng bộ.

Chế độ tiền lương chưa hợp lý

Đánh giá tình hình KTXH năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Năm 2010, có khoảng 85 nghìn doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 500 nghìn tỷ đồng; bình quân đạt gần 6 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 125% so với năm 2009, góp phần quan trọng phát triển sản xuất kinh doanh và tạo thêm nhiều việc làm mới.

”Kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm”, Thủ tướng nhấn mạnh. Năm 2010 tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.

Trong công tác giảm nghèo, nhất là ở 63 huyện nghèo nhất, theo người đứng đầu Chính phủ đã được triển khai đồng bộ với các giải pháp trợ giúp thiết thực cả về sản xuất và đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85%, xuống còn 9,5%.

Bên cạnh những thành tựu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn nhận diện những hạn chế, yếu kém trong điều hành quản lý. Đặc biệt là những vấn đề mà đông đảo cử tri cả nước quan tâm, phản ánh đến Quốc hội như vấn đề quản lý một số mặt hàng tiêu dùng như giá thuốc, sữa chưa tốt.

Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, Thủ tướng cũng thừa nhận: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo và tái nghèo còn cao. Chưa tạo được chuyển biến mạnh trong giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng lao động. Chế độ tiền lương chưa hợp lý, nhất là khu vực hành chính công.

Bội chi ngân sách: nên ở mức không quá 5% GDP

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã nhận định như vậy khi trình bày báo cáo thẩm tra tình hình KTXH năm 2010. Ông Hiền đánh giá, chất lượng tăng trưởng năm 2010 thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, "nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo”. Ông Hiền dẫn chứng: nhập siêu tuy đạt mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng số tuyệt đối dự kiến vẫn là 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2009, nếu loại trừ đá quý, kim loại quý xuất khẩu thì nhập siêu vẫn trên 23%. Đây là yếu tố chính làm cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% so với GDP. Hay như chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự kiến được kiểm soát dưới 8% nhưng diễn biến không ổn định trong năm, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến tâm lý của người dân và khó khăn cho các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách.

Dẫn vụ việc ở Vinashin, ông Hiền chỉ rõ: quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng bộc lộ rõ sự bất cập, chưa thay đổi kịp với chuyển biến của nền kinh tế thị trường; cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán và quản lý tài chính nội bộ doanh nghiệp còn kém hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Hiền cũng ”điểm” các yếu kém trong điều hành giá cả, trong giải quyết một số vấn đề xã hội và môi trường.

Về các chỉ tiêu cụ thể năm 2011, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 khoảng 7-7,5%. Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Chính phủ dự kiến tăng khoảng 7% nhưng trong Ủy ban còn ý kiến cho rằng chỉ nên ở mức 6,5%. Riêng bội chi ngân sách Chính phủ đề xuất khoảng 5,5% GDP. Trên cơ sở lấy ổn định vĩ mô là mục tiêu ưu tiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng năm 2011 cần phấn đấu kiểm soát bội chi ngân sách ở mức không quá 5% GDP.

Thu Hằng - Hương Giang

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: "Vụ việc ở Vinashin chủ yếu do yếu kém trong quản lý”

Tình trạng nghiêm trọng hiện nay của VINASHIN chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn. Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo. Chính phủ đang triển khai thực hiện và đến nay đã có một số kết quả bước đầu. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: “Chia sẻ nỗi đau với đồng bào miền Trung”

Trong những ngày qua, liên tục và dồn dập xảy ra những trận lũ lớn tàn phá nặng nề trên diện rộng một số tỉnh miền Trung. Quốc hội một lần nữa xin chia sẻ những mất mát, đau thương về người và tài sản do thiên tai gây ra và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cùng các cấp uỷ Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó, phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả, giảm thiểu thiệt hại. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần để nhân dân những vùng bị thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống.