Dự án Luật Thuế Bảo vệ môi trường: Thiếu chế tài khó thu thuế!

25/10/2010
Sáng ngày 21/10, dự án Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đã được Quốc hội thảo luận trên cơ sở dự án đã được tiếp thu, chỉnh lý sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Cụ thể hóa từng mặt hàng chịu thuế

UBTVQH nhận thấy, một số quy định trong Dự thảo luật còn chưa cụ thể (như về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế...). Vì vậy, Dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng rà soát, luật hóa tối đa các quy định nhằm bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, ổn định, phù hợp với quy định của pháp luật về thẩm quyền ban hành chính sách thuế.

Theo đó, đối tượng chịu thuế được qui định cụ thể hơn, xác định rõ từng mặt hàng chịu thuế như trong nhóm than, quy định rõ than chịu thuế là than nâu, than đá, than antraxit, than mỡ; quy định rõ bản chất của một số mặt hàng như dung dịch HCFC, loại túi nilông thuộc diện chịu thuế...

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị xem xét lại mức thuế đối với túi nilon vì “việc sử dụng túi nilon đang rất phổ biến và trở thành thói quen hàng ngày, khó có thể thay đổi ngay”. Nhưng đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lại không tán thành phương pháp đánh thuế đối với túi nilon để giảm số lượng sử dụng vì nghi ngại: “thay thế được túi nhựa xốp không khi nhiều nước phát triển vẫn chưa loại bỏ được sản phẩm này?”. Theo Đại biểu Dũng, đóng thuế như vậy là “bất khả thi” nên cần thay bằng cách triển khai các biện pháp khoa học công nghệ để tái sử dụng sản phẩm này cho các mục đích khác.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về người nộp thuế trong trường hợp khai thác nhỏ lẻ; quy định rõ khung thuế cụ thể đối với từng loại sản phẩm. Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (TP.Cần Thơ) thấy rằng, nên qui định đánh thuế tương đối (theo tỷ lệ %), từ mức 0, 2, 5, 10 và 20% để dễ áp dụng và giao UBTVQH từng thời kỳ qui định mức thuế đối với các loại hàng hóa.

Nhưng điều khiến ông Nhân lo ngại là “chưa có chế tài đối với vi phạm trong việc nộp thuế BVMT khi các vi phạm MT là khó xử lý”. Bên cạnh đó, cần xem xét thời điểm tính thuế để tránh khó khăn trong áp dụng vì hàng hóa phải qua nhiều khâu mới đến được với người tiêu dùng. “Nên tính thuế sau khi xuất kho hoặc bán ra” - Đại biểu Nhân đề nghị.

Người tiêu dùng phải chịu thuế

Theo lý giải của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, Thuế BVMT là loại thuế thu vào sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế được tính vào giá hàng hoá; người tiêu dùng trả thuế trong giá vào thời điểm mua hàng hoá. Thuế BVMT được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm thì phải nộp thuế.

Trên thực tế, bản thân người tiêu dùng là chủ thể gây ô nhiễm do sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm. Xuất phát từ đặc điểm của thuế BVMT, mục đích của việc áp dụng thuế là định hướng, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa và thể hiện sự điều tiết của Nhà nước nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Do vậy, việc quy định người tiêu dùng là người chịu thuế; người sản xuất, người nhập khẩu là người nộp thuế là hợp lý.

Mặc dù cùng là khoản thu của Nhà nước, do Nhà nước quy định, song có sự khác nhau về bản chất giữa thuế BVMT với phí MT. Hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng đã công nhận và duy trì đồng thời thuế BVMT và phí MT bằng các quy định riêng biệt.

Với tính chất khác biệt trên, UBTVQH đề nghị, trong hệ thống pháp luật, cần duy trì quy định cả về phí MT và quy định về thuế BVMT; không thể lấy việc thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho việc nộp phí và ngược lại. 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu phí môi trường trong thời gian qua còn nhiều bất cập, số thu rất hạn chế, không tương xứng với yêu cầu đặt ra, không đủ khắc phục hậu quả môi trường; nhiều đối tượng thuộc diện phải thực hiện nghĩa vụ tài chính do việc gây ảnh hưởng đến môi trường chưa được điều chỉnh, dẫn đến môi trường ngày càng ô nhiễm (chế biến thực phẩm, sản xuất xi măng và từ nhiều ngành sản xuất khác...).

Vì vậy, cần khẩn trương rà soát hệ thống quy định về các loại phí liên quan đến môi trường để bổ sung đối tượng cần điều chỉnh bằng phí MT; xác định lại mức phí để bảo đảm nguồn lực tài chính khắc phục hậu quả ô nhiễm do hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch.

Đồng thời, cần tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình thực thi Pháp lệnh phí và lệ phí hiện hành, trong đó có các quy định liên quan đến phí MT, từ đó sớm nâng Pháp lệnh lên thành Luật phí và lệ phí, bảo đảm áp dụng đồng bộ, hiệu quả, cùng với Luật thuế BVMT góp phần thúc đẩy phát triển bền vững./.

Hương Giang