Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Viên chức: Cần quan tâm đến viên chức vùng khó khăn.

27/10/2010
Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Viên chức hôm qua 26.10, Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lưu ý luật ban hành phải đảm bảo khả thi, tránh tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”

Cấm phải phù hợp thực tế

So với Dự án Luật được đưa ra tại Kỳ họp thứ 7, Dự thảo mới đã chỉnh sửa nhiều nội dung trong đó có vấn đề về quyền và nghĩa vụ của viên chức. Tuy nhiên, do tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức nên Dự án vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội.

Trong số 6 vấn đề cấm viên chức không được làm có việc cấm tham gia đình công. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đình công là cách buộc chủ sử dụng lao động phải điều chỉnh những bất hợp lý trong sử dụng, đãi ngộ lao động. “Với công chức thì cấm nhưng viên chức thì phải xem lại vì họ là người làm công ăn lương”, ông Thuyết đề nghị.

Để đảm bảo quyền lợi cho viên chức, đại biểu Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) cũng đề nghị cân nhắc kỹ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với viên chức khi họ bị ốm đau (theo Dự luật viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm theo hợp đồng xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng-PV). Theo bà Vân, ốm đau là lý do chính đáng mà chấm dứt hợp đồng như dự thảo luật là « không nhân đạo ». Mặt khác, cần quy định chặt để đảm bảo sự công bằng với những người không làm mà vẫn hưởng lương.

Nhấn mạnh đến đối tượng viên chức công tác ở các vùng sâu,xa, biên giới, hải đảo, viên chức là người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách...Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lưu ý Luật cần có quy định để khuyến khích viên chức đến công tác tại những vùng khó khăn.

Riêng vấn đề cho phép viên chức tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp, Dự thảo Luật quy định:  viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành …trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP. Hồ Chí Minh) tỏ rõ băn khoăn: cho phép được góp vốn nhưng không được điều hành là mâu thuẫn với thực tế. Còn Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) cũng cho rằng: thực tế rất khó ngăn cấm viên chức làm ngoài nhưng quy định như dự thảo là “mở đường” cho họ lạm dụng vị trí công việc, uy tín của mình để làm ngoài theo kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Nhiều quyền dễ tiêu cực

Tiếp thu, giải trình một số vấn đề của Dự án Luật, Ủy Ban thường vụ Quốc hội cho biết : Dự luật đã quy định rõ trách nhiệm quản lý viên chức của người đứng đầu đơn vị và cơ quan quản lý viên chức theo hướng: tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu sẽ có nhiều quyền hơn trong việc xác định số lượng vị trí việc làm, quyết định hầu hết các nội dung liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại đơn vị.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Vân (Hà Tĩnh) cho rằng không nên giao quá nhiều quyền năng cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các đơn vị có quy mô nhỏ thuộc phạm vi quản lý của các Sở, ngành ở địa phương. "Giao như vậy dễ dẫn đến tiêu cực " - Bà Vân nói.

Nhiều đại biểu đồng tình với bà Vân, và cho rằng, khi "nắm " trong tay nhiều quyền năng, người đứng đầu rất dễ lạm quyền, nhất là trong những việc liên quan đến quyền lợi của viên chức. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thì cho rằng quy định như vậy nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị này trong từng thời kỳ nhất định.

Nhóm PV