Phòng chống mua bán người: Nhà nước cần bố trí ngân sách

26/10/2010
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng quy định hằng năm Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người (PCMBN) là cần thiết. Ngày làm việc tiếp theo của kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật PCMBN.

Khuyến khích tài trợ cho hoạt động PCMBN

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Bên cạnh việc xác định các nguyên tắc PCMBN, dự thảo Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong PCMBN. Trong đó đáng chú ý là chính sách "Kết hợp PCMBN với việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống mại dâm và các tệ nạn xã hội khác"

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, dự thảo Luật ghi nhận chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hợp tác, tài trợ cho hoạt động PCMBN và hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, đặc biệt là chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật để tham gia thực hiện hỗ trợ cho các nạn nhân. Để bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động PCMBN, dự thảo Luật quy định hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác PCMBN.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho biết: đa số thành viên Ủy ban tán thành quy định bố trí ngân sách hàng năm cho hoạt động PCMBN, nhằm góp phần tăng cường hiệu quả công tác này đồng thời làm cơ sở cho việc phân bổ ngân sách. Tuy nhiên, bà Ba cũng thông tin thêm: một số ý kiến khác đề nghị không quy định vấn đề ngân sách trong PCMBN, còn việc bảo đảm như thế nào sẽ do Luật Ngân sách Nhà nước quy định.

Bố trí bảo vệ nạn nhân là chưa phù hợp

Theo Dự thảo Luật được trình Quốc hội, việc tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và xác minh nạn nhân chia 3 đầu mối. (nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về; nạn nhân được giải cứu; nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài). Theo đó, với mỗi loại đối tượng, sẽ có từng cơ quan có trách nhiệm đứng ra tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu.

Đặc biệt, dự thảo Luật cũng dành một số điều để quy định về việc giải cứu, bảo vệ khẩn cấp; bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ; bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của nạn nhân.

Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều quy định về bảo vệ an toàn cho nạn nhân, tuy nhiên cho rằng một số quy định như bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập của nạn nhân; thay đổi chỗ ở của nạn nhân và người thân thích của họ… là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta và tính khả thi không cao. Theo Ủy ban này, trong khi hiện nay không chỉ có nạn nhân bị mua bán cần được bảo vệ mà còn có nhiều đối tượng khác cũng cần bảo vệ như người làm chứng trong các vụ án buôn bán ma túy, khủng bố, rửa tiền, người tố cáo tham nhũng….

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu bảo đảm quy định phù hợp, cân đối với các đối tượng khác và thực hiện được trên thực tế.

Nhóm Phóng viên TSNC

Không bầu Đại biểu HĐND ở những nơi thí điểm

Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban Pháp luật bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cho rằng nếu đến khi bầu cử đại biểu HĐND các cấp mà vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm (hiện đang tiến hành tại 10 địa phương) thì tại các địa phương thực hiện thí điểm sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND huyện, quận, phường. Trường hợp không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi toàn quốc thì sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan của Hiến pháp, Luật Tổ chức HĐND và UBND, một số đạo luật khác có liên quan và theo đó sẽ không bầu đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính này.