Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010: Kiên quyết khắc phục tồn tại để phát triển bền vững

03/11/2010
Ngày thảo luận thứ hai về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch năm 2011, hôm qua (2/11), các ĐBQH đã phân tích những yếu kém bất cập trong hoạt động quản lý - điều hành kinh tế thời gian qua để kiến nghị những giải pháp cho năm 2011 phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững hơn.

Tập trung xử lý “nhập siêu và bội chi ngân sách

Tập trung vào 2 vấn đề trực tiếp của năm 2010 là tình trạng nhập siêu (do căn bệnh gốc từ cơ cấu) và bội chi ngân sách, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, đây hai nguyên nhân trực tiếp gây bất ổn vĩ mô không chỉ cho năm 2010 mà sẽ còn kéo dài trong những năm tới. Do đó, năm 2011, phải tập trung ổn định vĩ mô và quản lý hiệu quả việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). ĐB Lịch khẳng định, liên quan đến vấn đề DNNN, các tập đoàn có lỗ hổng về cơ chế, nhưng còn là vấn đề sử dụng và bố trí con người. Do đó nếu như chúng ta cứ tập trung về cơ chế tôi e rằng qua hơn 10 năm đổi mới doanh nghiệp, nhà nước chúng ta coi chừng quay lại cơ chế chủ quản, một cơ chế mà chúng ta phải thoát khỏi nó” - ĐB này cảnh báo.

Vì vậy, sử dụng một cơ chế ngân sách cứng đối với DNNN, các tập đoàn lớn, các tổng công ty, phải công khai công bố tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoánsớm ban hành Luật Kinh doanh vốn nhà nước để tạo “đột phá” liên quan đến DNNN.

Nhìn chung đồng tình với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2011, nhưng ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) lưu ý, “cuối cùng các giải pháp sẽ kém hiệu quả nếu không rút ngắn được khoảng cách giữa nói và làm (…). Cử tri mong năm 2011 và những năm tiếp theo "nói sẽ đi đôi với làm", chắc chắn tình hình mọi mặt của đất nước sẽ tốt đẹp hơn nữa”.

Xử lý triệt để việc gây ô nhiễm môi trường

Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) trầm trọng, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị trong năm 2011, Chính phủ phải thực hiện nghiêm kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không hoàn thành đúng với tiến độ đã cam kết và vẫn đang tiếp tục gây ONMT; thực hiện kiểm soát chặt chẽ công tác đánh giá tác động môi trường và giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm ở các dự án đầu tư mới. Kiên quyết không cấp phép cho dự án đầu tư mới không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

Cũng liên quan đến môi trường, đặc biệt là môi trường sống, ĐB Phùng Đức Dinh (Sơn La) kiến nghị, cần có chính sách đặc thù đối với các địa bàn có công trình xây dựng thủy điện, đặc biệt các công trình thủy điện lớn nhằm đáp ứng được cùng lúc các mục tiêu quan trọng là giúp đồng bào sống được bằng nghề rừng bền vững, lâu dài và tăng tuổi thọ các công trình thủy điện, hạn chế thiên tai, lũ lụt, bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần tăng tỷ lệ độ che phủ rừng.

Cải thiện căn bản chất lượng nguồn nhân lực

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà  (TP. Hà Nội) cho rằng, những hạn chế của nền kinh tế là bắt nguồn từ yếu tố chất lượng nguồn nhân lực. Nên ngoài 6 giải pháp lớn mà Chính phủ đã đề ra để thực thi phát triển kinh tế, xã hội năm 2011 thì “phải quan tâm đặc biệt và tập trung cao cho phát triển giáo dục, đào tạo nhanh chóng, cải thiện một bước căn bản chất lượng nguồn nhân lực”, trước mắt cần tập trung vào xây dựng chiến lược phát triển đào tạo; đa dạng hóa các hình thức và cấp độ đào tạo, nội dung giáo dục đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng cấp đào tạo theo hướng đảm bảo tính cơ bản, hiện đại nhưng phải tăng tính thực tiễn và thực hành, đặc biệt quan tâm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.

Gắn kết nội dung đào tạo với yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường quốc tế, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp, xây dựng đạo đức kinh doanh của người lao động mới và coi trọng đào tạo cả 3 đối tượng là: đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo công nhân kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là dạy nghề trình độ cao./.

H.Giang - T.Hằng

Trong buổi thảo luận, nội dung về dự án Bauxite đã được “khơi” lên với ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc và giải trình thêm của Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên

ĐB Dương Trung Quốc: “…lần này tôi muốn đặt câu hỏi tính đến ngày hoàn tất báo cáo sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary đã diễn ra được nửa tháng, sự cố đã xới lại một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm về sự an toàn môi trường và hiệu quả kinh tế của Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Không lẽ, Chính phủ, tôi dùng chữ "vô cảm" đến mức không hề đả động trong nội dung báo cáo trước Quốc hội và Quốc hội cũng không yêu cầu Chính phủ giải trình trước hết để làm an lòng dân, sau nữa thể hiện tính nhạy bén và trách nhiệm giám sát thường xuyên của mình. Người dân quan sát thấy dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bauxite đã là chuyện "ván đã đóng thuyền".

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: “Dự án bauxite bảo đảm an toàn về hệ thống môi trường. Chúng tôi đã làm rất cụ thể, khoa học và bảo đảm độ an toàn về hệ thống môi trường, bảo vệ cả 2 khu vực này gồm 4 khu về giáo dục tác động môi trường. Đánh giá tác động môi trường trong dự án kể trên là rất nghiêm ngặt, theo các tiêu chuẩn hiện đại nhất của thế giới.

Theo Luật Khoáng sản, tất cả những chỗ là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, các khu di tích lịch sử, các khu văn hóa dân tộc dứt khoát không được cấp phép cấp mỏ. Mỏ Tây Nguyên lần này trữ lượng rất lớn, chúng tôi chỉ tập trung giai đoạn thí điểm này là cấp mỏ cho khai thác những nơi chủ yếu dưới mặt đất khoảng 50 - 70cm, không có cây nào mọc được hoặc nếu có mọc được chỉ là những cây bụi gai và những cây lùn thôi. Mục tiêu của việc khai thác mỏ lần này là kết hợp với trồng rừng, hay còn gọi là mục tiêu kép nghĩa là khai thác bauxite Tây Nguyên lần này kết hợp với mục tiêu trồng rừng”.

 

LS.Nguyễn Đăng Trừng:Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty NN: cải cách DNNN trở thành 1 yêu cầu bức bách. Trước đây, Chính phủ đã giải thích hiệu quả kém của các Tập đoàn, Tổng công ty NN một phần do phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, chung, không sinh lời.

Nên tách các nhiệm vụ với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, Tổng công ty NN. Nếu thực hiện nhiệm vụ chính trị thì không phải sinh lời, thậm chí được bù lỗ. Nhưng thực tế đang kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như các DN khác. Lẽ ra phải kinh doanh có hiệu quả hơn vì được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng lại thấp hơn các DN tư nhân và DN FDI.

Hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty NN kém hiệu quả do việc quản trị không phù hợp, đang khiến các tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn coi tài sản nhà nước là “của trời cho” nên chi tiêu thoải mái như các bà nội trợ đi chợ bằng tiền người khác. Chính phủ dành quá nhiều ưu đãi cho các “quý tử” này nên trách nhiệm đó thuộc về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà không thể thoái thác. Bên cạnh đó, còn áp dụng những ràng buộc ngân sách “mềm” nên DNNN đầu tư quá mức, hiệu quả thấp. Trường hợp Vinashin là thất bại lớn của NN trong điều hành Tập đoàn, Tổng công ty, mà cử tri không muốn Chính phủ thất bại 1 lần nữa”.