Chính phủ cần quyết liệt hơn trong bình ổn giá

01/11/2010
Tuần này (từ 1/11 đến 6/11) được coi là tuần làm việc khá “nặng” của Quốc hội với hai ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội. Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu  Dung Quất, báo cáo công tác phòng chống tội phạm, thi hành án, đặc xá... Các dự án Luật Thủ đô, Chứng khoán, Đo lường cũng sẽ được trình lên Quốc hội.

“Điểm lại” tuần làm việc thứ hai, bên hành lang kỳ họp, “nóng” nhất vẫn là chuyện giá cả, lạm phát, tham nhũng và đất rừng.

Trả lời câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã từng khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu việc tăng giá là vô căn cứ. Tuy nhiên, với vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm là có thông tin cho rằng sắp tăng giá điện, giá than trong thời gian tới Bộ trưởng Ninh trả lời: một mặt đang “nghiên cứu”, một mặt cũng cho rằng “không thể để giá điện, giá than bao cấp mãi như hiện nay” nhưng “tăng giá phải có lộ trình”.Như vậy, cử tri, nhất là những người nông dân nghèo vẫn phấp phỏm trong lo lắng vì đây là hai mặt hàng quan trọng tác động đến mọi mặt đời sống. Tăng giá điện, than sẽ kéo theo việc tăng giá nhiều mặt khác.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu bày tỏ sự quan ngại về việc giá cả leo thang, đặc biệt là những ngày cuối năm. Nhiều đại biểu còn chỉ trích hiện tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của bà con miền Trung trong đợt lũ lịch sử vừa qua để tăng giá những mặt hàng thiết yếu, “Chính phủ cần quyết liệt hơn trong bình ổn giá”.

Theo báo cáo của Chính phủ tại đầu kỳ họp, mức tăng giá tiêu dùng 9 tháng là 6,46%, dự báo cả năm giá tiêu dùng tăng khoảng 8%, chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (không quá 7%). Chính phủ cũng thừa nhận việc quản lý giá một số mặt hàng nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh chưa tốt…

Trong kỳ họp này, mặc dù Quốc hội không dành thời gian chuyên biệt để thảo luận về quản lý việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty (nhất là liên quan đến vụ việc của Vinashin), tuy nhiên, chắc chắn khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các Đại biểu sẽ không quên câu chuyện này.

Một tâm điểm nữa là chuyện cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng, khi thảo luận tại tổ cũng như góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng, nhiều đại biểu cũng đã gay gắt khi nói lại vấn đề này. Vào cuối tuần qua, một báo cáo của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đã được gửi tới đại biểu Quốc hội cho biết: tính đến tháng 8/2010, tổng diện tích đất lâm nghiệp giao cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng theo hình thức 100% vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 288.974 ha, và diện tích đất nhà đầu tư nước ngoài liên doanh liên kết với nhà đầu tư trong nước để trồng rừng là 21.657,51 ha. Điều gây “sốc” nhất với dư luận không phải là việc một số nơi cấp chứng nhận đầu tư ở cả những địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng, thuê đất rồi để đó, mà là  giá thuê đất trồng rừng trung bình 9,58 USD/ha, tương đương 180.000 đồng/ha. Một cái giá mà theo Ủy ban KHCNMT là quá thấp.

Chính phủ cần rà lại và kiên quyết thu hồi với những diện tích rừng đã cho nước ngoài thuê để đảm bảo an ninh quốc phòng, trả đất trồng cho người dân trong nước - đại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) và nhiều đại biểu khác đã đề nghị.

An Bình