Phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011: Cần tập trung cho địa bàn khó khăn

05/11/2010
“Cán bộ ở những xã biên giới, hải đảo rất sợ phải đi họp vì… không đủ tiền chi phí. Trung ương cần có định mức riêng mà không phải “cào bằng” như đất liền”.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị như vậy khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011 vào ngày 03/11.

Ưu tiên làm nốt những công trình “dang dở”

Mở đầu bằng việc đánh giá cao những kết quả trong quản lý điều hành của Chính phủ thể hiện qua những con số về tình hình kinh tế xã hội, nhưng ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) lại nhấn mạnh đến vấn đề chi ngân sách.

Ông Thảo dẫn báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2010, trong đó có nhận định chi ngân sách nhà nước chấp hành không nghiêm với số chi lớn. “Như vậy là không tôn trọng Nghị quyết của Quốc hội”, ông Thảo kết luận và đề nghị “những khoản chi vượt dự toán, đặc biệt chi đầu tư phát triển phải báo cáo Quốc hội trước khi chi.”

Về phân bổ ngân sách sắp tới, theo ông Thảo, nên ưu tiên những lĩnh vực mở rộng tiềm năng phát triển kinh tế, tăng chi cho an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang, thiên tai dịch bệnh… như thời gian qua.

ĐB Lương Phan Cừ (Đắk Nông) cho rằng ưu điểm nổi trội năm vừa qua là chênh lệch giữa thu và chi không lớn như những năm trước, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và cho rằng “Chính phủ cần có nhiều biện pháp để thu hẹp khoảng cách giữa dự toán thông qua và thực hiện”

“Nên ưu tiên phát triển hệ thống giao thông ở các vùng khó khăn như Đắk Nông vì nếu giải quyết được vấn đề này thì hiệu quả sẽ rất lan tỏa”. Ông Cừ kiến nghị, đồng thời ủng hộ phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng mức đầu tư. “Số tiền vượt (58 ngàn tỷ) năm rồi nên đầu tư cho các công trình còn dang dở”, ông Cừ nói.

Trong khi đó, ĐB Danh Út (Kiên Giang) bày tỏ không hài lòng về việc phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo còn dàn trải, năm nào bội chi cũng lớn, nhất là chi cho hội họp. “Tiến tới ta phải kiên quyết giảm hội họp. Ở Kiên Giang có xã đảo cách đất liền 200km, mỗi lần phải đi họp, cán bộ xã rất... sợ”

Chung kiến nghị phân bổ ngân sách để hoàn thiện nốt các công trình đang dang dở, ĐB Danh Út cũng đề nghị “Chính phủ cần có khoản hỗ trợ đặc biệt cho các huyện, xã đảo”, ông Út nói.

Giảm bội chi ngân sách

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2010 ước đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009. Hầu hết các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán, kể cả thu phí xăng dầu nhiều năm không đạt dự toán. Mức bội chi dự kiến dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%).

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) tỏ ra băn khoăn về con số thực của bội chi ngân sách. Ông Hùng đề nghị Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cùng với các bộ, ngành rà soát lại để tính chuẩn, báo cáo rõ hơn với Quốc hội, Chính phủ, từ đó có những chính sách đúng đắn.

ĐB Hùng cũng tin tưởng nếu quyết tâm thì có thể giảm bội chi ngân sách. Đại biểu tán thành với ý kiến của Uỷ ban Tài chính ngân sách là nên dành khoảng 30% của số vượt thu để giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 5,5%, bởi nếu cứ để mức bội chi cao, kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thảo luận về vấn đề này trước đó tại phiên họp tổ, nhiều  ĐB cũng lo ngại về tình trạng bội chi ngân sách diễn ra trong nhiều năm qua, mức bội chi cao như thời qua sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại, tài chính. Để giảm bội chi ngân sách nhiều ĐB cho rằng cần thiết phải xem xét lại việc phân bổ vốn cho một số Chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi có một số Chương trình na ná nhau, hiệu quả chưa được đánh giá cụ thể.

Nhóm PV