Dự thảo Luật Thủ đô: Tăng một số quyền để Hà Nội làm tốt hơn

08/11/2010
Thảo luận tại tổ sáng ngày 6/11 về dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận thấy, “cần có LTĐ” nhưng phải xem xét kỹ và quy định cụ thể hơn chính những đặc thù của Dự thảo Luật này.

Thủ đô chính là đặc thù lớn nhất

Vấn đề được các ĐB quan tâm chính là khái niệm “đặc thù” trong dự thảo LTĐ. ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng, Thủ đô chính là “đặc thù lớn nhất, từ đó chi phối đến những điều khác như vị trí, vai trò chính trị, quyền và nghĩa vụ của công dân Thủ đô với công dân cả nước và công dân cả nước với công dân Thủ đô…”. Từ đó, ĐB Thanh cơ bản tán thành với Dự thảo Luật, nhất là những điều nêu trên cơ sở đặc thù của Hà Nội và đề nghị dự án luật sớm được hoàn thiện, kèm theo Dự thảo Nghị định để khi luật ban hành có thể đi vào cuộc sống ngay.

Tán thành quan điểm của ĐB Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch UBND.TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nhận thấy: “Bản thân Thủ đô đã là đặc thù”. Do đó, dự thảo LTĐ được xây dựng để “cố gắng đưa ra một số chính sách có tính chất đặc thù để Hà Nội khắc phục những tồn tại, bất cập, huy động nguồn lực để phát triển của Thủ đô, qua đó đóng góp vào việc xây dựng đô thị nói chung, chứ không phải Hà Nội đòi một bộ luật riêng”.

Đến từ TP.HCM, ĐB Trần Du Lịch cũng nhận thấy, cần có LTĐ nhưng “không cần qui định dài như trong Dự thảo, mà chỉ cần làm rõ địa vị chính trị, sự khác biệt của Thủ đô với các đô thị khác để tập trung cho Thủ đô”. Từ đó, xác định rõ vị trí pháp lý, mô hình chính quyền Thủ đô… và những vấn đề lớn của Thủ đô trong giới hạn về hệ thống pháp luật hiện hành.

Với vai trò của một ĐBQH, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng tán thành với việc ban hành LTĐ, song lưu ý, cần xem xét cụ thể những vấn đề nào không cần qui định trong dự thảo và nếu cần qui định thì đến mức độ nào là hợp lý.

Khẳng định, các qui định đặc thù của dự thảo “không trái với hiến pháp và luật hiện hành”, ĐB.Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề nghị, trong luật cần quy định cụ thể chặt chẽ, không nói chung chung, định hướng rõ ràng và “Quy định cơ chế, chính sách đặc thù không phải lấy thẩm quyền cơ quan cấp trên giao cho Thủ đô được”.

Băn khoăn những đặc thù

Những băn khoăn về quản lý nhập cư, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính và tăng mức thu một số loại phí, trao cho Hà Nội quyền ban hành một số VBQPPL, trích lại ngân sách cao hơn vốn “nóng” ngay khi soạn thảo dự LTĐ, cũng đã “theo chân” các ĐBQH vào nghị trường.

Trong khi một số ĐB lo ngại qui định về hạn chế nhập cư vào Thủ đô sẽ làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân theo Hiến pháp thì ĐB Nguyễn Đức Nhanh (Giám đốc Công an TP.Hà Nội) ủng hộ quan điểm, giao quy định về thường trú tại Hà Nội cho Chính phủ, bởi hiện nay áp lực dân số quá lớn. Đồng thời, việc hạn chế dân cư phải bằng các biện pháp tổng hợp, chẳng hạn cư trú bao nhiêu năm mới được nhập khẩu, không cho nhập khẩu mới vào các quận nội thành, đặc biệt không thể thuê nhà cũng được nhập khẩu…

Tán thành ý kiến của ĐB Nhanh, ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) cho rằng, cần phải có thêm những giải pháp kinh tế - xã hội mới giải quyết được vấn đề. Còn ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) cũng băn khoăn, những vấn đề “vượt khung”, dự liệu sẽ “đụng” tới Luật Đất đai, Luật Cư trú, Luật Ngân sách… cần được làm rõ hơn.

Từ kinh nghiệm qua quá trình soạn thảo LTĐ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nhận xét, có vấn đề Hà Nội muốn làm, nhưng không làm được vì không đủ cơ sở pháp lý và một số điểm không phù hợp với đặc thù Hà Nội. Bởi vậy, “việc quy định tăng một số quyền cho Hà Nội là để Hà Nội làm tốt hơn, giải quyết được những bức xúc của dân”. Quan điểm của Chính phủ khi xây luật này là “không để trái Hiến pháp” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.

Chuyển sang vấn đề xử phạt, đại biểu Nguyễn Văn Vượng (Thái Nguyên) cho rằng, các nước văn minh, mức xử phạt vi phạm cao hơn ta rất nhiều. Theo ĐB này, với sự tắc nghẽn giao thông hiện nay, với việc người dân tứ xứ về Hà Nội nhiều, nếu chỉ tuyên truyền sẽ không ăn thua, trong khi phạt cũng là một hình thức giáo dục. “Mức phạt cao hơn để có tính răn đe, để văn minh hơn thì đó là điều tốt. Hơn nữa, ở Hà Nội, dịch vụ cao thì mức phí cao không có gì là không phù hợp”, ông Vượng bày tỏ quan điểm.

Tương tự các vấn đề khác, về vấn đề Hà Nội được giữ lại toàn bộ phần ngân sách vượt thu để đầu tư cũng gặp nhiều ý kiến chưa thống nhất. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lo ngại, quy định như vậy có thể khiến TP.HCM - đơn vị có số thu lớn “cảm thấy buồn” và các tỉnh khác thậm chí buồn hơn.

Nhưng ĐB.Nguyễn Văn Vượng “hiến kế” để có nguồn đầu tư cho Hà Nội lớn hơn và cũng “đỡ mang tiếng hơn” là thay vì trích lại ngân sách như dự thảo thì có thể ưu tiên đầu tư cho Hà Nội bằng các chương trình trọng điểm quốc gia cho Hà Nội…

Trên cơ sở phân tích những đặc thù và các qui định phục vụ cho đặc thù của Thủ đô, các ĐBQH đã hy vọng dự thảo LTĐ sớm được ban hành, nhưng quan trọng cũng cần đầu tư, quan tâm đến yếu tố con người, cách thức quản lý để khi luật được ban hành, mọi việc của Thủ đô sẽ tốt đẹp hơn./.

Huy Anh