Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự: Trao cơ chế “đặc biệt” để sửa chữa sai lầm

15/11/2010
Chiều ngày 12/11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) đã được trình lên Quốc hội với rất nhiều vấn đề mới liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự của người dân và cơ quan xét xử.

Hết thời hạn mà phát hiện sai: được xem lại

Theo Tờ trình của Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình trước Quốc hội, trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót hiện còn hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần sửa lại Điều 284 (nếu phát hiện quy định hiện hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm) và Điều 288 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Bộ luật TTDS.

Quan điểm thứ hai, theo Chánh án TANDTC thì về cơ bản đồng ý như quan điểm thứ nhất, nhưng quy định về thời hạn xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là một năm và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thời hạn một năm nêu trên chỉ áp dụng cho đương sự, còn đối với văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật vi phạm pháp luật thì không tính thời hạn.

Dự thảo Luật trình lên Quốc hội được thể hiện theo quan điểm thứ nhất.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp đồng ý với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, theo quy định của BLTTDS hiện hành có nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Tòa án mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không có đủ thời gian để xem xét. Mặt khác, thực tế cũng có trường hợp đương sự gửi đơn trong thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không được người có thẩm quyền xem xét hoặc không kịp thời phát hiện các sai sót, do đó khi phát hiện có sai lầm của bản án, quyết định của Tòa án thì đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự nhưng không có cơ chế để giải quyết.

Được xem lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm

Trước đề xuất về xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao khi có căn cứ giám đốc thẩm, tái thẩm Ủy ban Tư pháp cho rằng, thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thời gian qua có trường hợp quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định nhưng không có cơ chế để giải quyết lại, đương sự rất bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất nên không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định của Hội đồng Thẩm phán.

Để khắc phục vướng mắc nêu trên, Uỷ ban Tư pháp tán thành với dự thảo Luật quy định một thủ tục đặc biệt để Hội đồng Thẩm phán TANDTC được tự mình xem xét lại quyết định có sai lầm nghiêm trọng hoặc có căn cứ tái thẩm khi có kiến nghị của Chánh án TANDTC hoặc của Viện trưởng VKSNDTC với những thủ tục rất chặt chẽ. Theo đó, quy định kiến nghị của Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC đồng ý thì quyết định giám đốc thẩm mới được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại theo thủ tục đặc biệt. Đồng thời cũng quy định khi kiến nghị của Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC được Hội đồng Thẩm phán TANDTC chấp nhận xem xét lại thì Chánh án TANDTC có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và báo cáo Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Hội đồng Thẩm phán TANDTC quyết định chấp nhận kiến nghị. Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sự tham dự của Viện trưởng VKSNDTC. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, TANDTC có thể mời cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự phiên họp. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành.

     Nhóm Phóng viên

Trả lời ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết về đề xuất lập Ủy ban điều tra trách nhiệm vụ Vinashin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ: Sau khi cân nhắc kỹ nhiều mặt, UBTVQH thống nhất chưa cần thiết trình Quốc hội thành lập ủy ban này.

Công văn chỉ rõ "Căn cứ điều 27 Luật Tổ chức Quốc hội; căn cứ Điều 7, Điều 12 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội; căn cứ vào Điều 26 quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin đang được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước xem xét, trong đó có việc cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra".

Trước đó, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, sau khi phân tích thua lỗ ở Vinashin, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết đã đề nghị UBTVQH tổ chức để QH biểu quyết thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc nói trên.