Cải cách thủ tục hành chính: Phải lấy con người là khâu “đột phá”

10/11/2010
Hôm qua, Quốc hội đã dành cả ngày để nghe và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Phải khắc phục tình trạng “bôi trơn”

Theo UBTVQH, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 30, đã công bố được Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet, với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản có quy định về TTHC và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đã thiết lập và công bố công khai Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong hoạt động quản lý nhà nước. Kết quả này được nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, coi đây là đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hội nhập.

Cũng theo tính toán của UBTVQH, các phương án đơn giản hóa 258 TTHC sẽ tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

UBTVQH cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, và đây là nội dung được các ĐBQH tập trung thảo luận.

Đánh giá cao kết quả trong CCTTHC nhưng ĐB Phạm Thị Hải, Đồng Nai cho rằng nếu nhìn từ góc độ trách nhiệm với nhân dân, đặc biệt từ góc độ là người “đầy tớcủa dân thì chưa đạt. “Người dân vẫn kêu là rất cực khổ, rất sợ khi phải đến các cơ quan Nhà nước ĐB Hải nói và chỉ ra tình trạng phải “bôi trơn, lót tay” cho cán bộ để được giải quyết nhanh chóng “là câu chuyện tuy không nói ra nhưng ai cũng phải biết, phải làm”.

ĐB Hải dẫn chứng về sự “khập khiễng” chỉ trong 4 lĩnh vực CCTTHC (đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan) và thẳng thắn “chất lượng làm luật của Quốc hội thật sự chưa cao, tính khả thi của luật còn hạn chế, những quy định trong luật chưa sát hợp với thực tế cuộc sống, cụ thể như Luật Đất đai, Luật Thuế giá trị gia tăng v.v... Việc sửa đổi, bổ sung các luật này thật sự cần thiết, cần được Quốc hội sớm đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2011.  

Sau khi phân tích các nguyên nhân dẫn đến hạn chế của CCTTHC, ĐB Ngô Thị Doãn Thanh, Hà Nội cho rằng một bộ phận cán bộ, công chức còn có biểu hiện cửa quyền, sách nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến kết quả của cải cách hành chính. Vấn đề này các cấp chính quyền đều nhận ra và có những giải pháp nhưng chưa đủ mạnh.

ĐB Thanh đề nghị Chính phủ “chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp chính quyền lắng nghe phản ánh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi các thủ tục hành chính cho phù hợp”.

Cần cải tiến chế độ tiền lương

Đồng tình TTHC do con người đặt ra và cũng do con người thực hiện, song ĐB Trần Thị Lộc, Bắc Kạn lại nhìn nhận vấn đề vì sao sinh ra tiêu cực trong thực hiện TTHC “chế độ tiền lương của cán bộ công còn nhiều bất cập, công chức không đảm bảo được cuộc sống bằng chính nghề của bản thân mình.” Về chế độ động viên khen thưởng cơ chế khuyến khích động viên cán bộ, công chức, viên chức, ĐB Lộc “phê” chưa được thực hiện nghiêm túc. Do đó, đề nghị phải thực hiện tốt cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, xử lý nghiêm minh các hành vi nhận và môi giới hối lộ thực thi các thủ tục hành chính. Đồng thời cần sớm tổ chức nghiên cứu triển khai chế độ tiền lương cạnh tranh và trước mắt cần quan tâm cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Ngọc Minh, Ninh Thuận cho rằng: công tác tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, lương tâm, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền trực tiếp tham gia thực hiện cải cách thủ tục hành chính, còn nhiều bất cập, chưa được chú ý đúng mức. Số lượng cán bộ, công chức trong các cơ quan có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, đều còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ.. “việc nhiều, người ít, lương bổng không có gì là đặc thù, ít được bồi dưỡng và rèn luyện về đạo đức, phẩm chất v.v... là nguyên nhân của nạn quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu trong một bộ phận cán bộ, công chức” nên, cải cách theo ĐB Minh chính là phải “đột phá ở khâu này”.

Dưới góc nhìn khác hơn, ĐB Hồ Thị Thu Hằng, Vĩnh Long cho rằng nên phát triển mạnh dịch vụ công để người dân và doanh nghiệp không bị hành hạ chạy chọt, lót tay kép cho cán bộ công nhân viên cơ quan lẫn cò trung gian. Cũng theo ĐB này, việc phát triển tốt dịch vụ công một cách minh bạch, chuyên nghiệp có thể tinh giản biên chế hành chính sử dụng lương ngân sách.

Nhóm PV

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Thủ tục tốt bao nhiêu mà con người không tốt thì cũng không giải quyết vấn đề gì

Vấn đề cán bộ có năng lực, có phẩm chất, trình độ và có trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm trong lĩnh vực chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong việc giải quyết TTHC cho dân, cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Chúng ta nói cải cách thủ tục nhưng nếu thủ tục tốt bao nhiêu chăng nữa mà con người không tốt thì cũng không giải quyết vấn đề gì.

Tôi đồng ý với nhiều ĐBQH khâu cán bộ rất quan trọng, cho nên phải lựa chọn và bố trí được cán bộ đúng người đúng việc, liên quan tới doanh nghiệp, người dân thì càng cần phải có cán bộ giỏi chuyên môn và có phẩm chất đạo đức tốt.

- Ngoài vấn đề về con người, theo ông tới đây CCTTHC cần tập trung vào những vấn đề gì?

Tôi cho là có ba vấn đề: đó là tiếp tục bãi bỏ các TTHC không cần thiết như kiến nghị của Chính phủ. Thứ hai, phải thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tốt để thông tin được nhanh, thúc đẩy công khai hóa, minh bạch hóa TTHC. Thứ ba, cần bố trí lực lượng cán bộ thật tốt và đặt dưới sự giám sát tốt của nhân dân.

-   Xin cám ơn Bộ trưởng!

B.A (ghi)