Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất: Cần đánh giá đúng mức

12/11/2010
Hôm qua (11/11), ĐBQH đã thảo luận ở tổ về dự thảo báo cáo tổng kết việc triển khai Công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu (NMLD) số 1 Dung Quất.

Thảo luận về công trình NMLD Dung Quất, đa số các ĐB đều cho rằng việc hoàn thành, đi vào hoạt động NMLD Dung Quất đã làm thay đổi diện mạo của cả một khu vực. ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả đầu tư hiệu quả của dự án NMLD Dung Quất sau 13 năm đưa vào hoạt động. Nhưng với những tồn tại do thời gian triển khai quá dài “kéo theo tốn kém lúc đầu 1,5 tỷ USD, đến hết 2009 đã lên tới 3,05 tỷ USD. So với dự toán vượt gấp 2 lần” thì “phải có tính toán và đề nghị ban chỉ đạo tính toán để thu hồi vốn khấu hao cho đúng quy định” - ĐB Hải đề nghị.

Bên cạnh đó, nhận thấy “việc tồn kho xăng dầu tại đây cũng là vấn đề”, một số ĐB cho rằng, Chính phủ phải chỉ đạo xử lý. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét đó là do không xuất khẩu được hay do nhu cầu trong nước quá cao mà hiện tại, dầu Dung Quất chỉ tiêu thụ trong nước, chưa xuất khẩu được như Petrolimex đã công bố.

Còn ĐB Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) đánh giá, triển khai “quá chậm, đó là một thất bại nên đầu tư lớn sản xuất như vậy cần xem có hiệu qủa không?”. Cũng băn khoăn về tiến độ chậm của dự án, ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng, nếu chúng ta chỉ nêu nguyên nhân chậm tiến độ như trong báo cáo thì áp dụng vào công trình nào cũng được. Cụ thể ở Hà Nội, dự án chậm cũng có nguyên nhân từ chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng, việc lập dự toán. Đây là nguyên nhân được phát hiện ở nhiều công trình, dự án. Vậy phải chăng nó đã là bệnh và là căn bệnh không thể chữa?

Đồng thời, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) lo lắng, việc tái định cư cho người dân làm ngư nghiệp, nông nghiệp vùng lấy đất cho dự án gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, những người trên 40 tuổi không chuyển đổi nghề được… Do vậy, cùng quan điểm, ĐB Sỹ nhắc nhở “cần đánh giá đúng mức để rút kinh nghiệm cho những dự án sau như Nghi Sơn…”.

* Cùng ngày, thảo luận về Luật Đo lường, các ĐBQH đều cho rằng, đã nói đến đo lường là phải nói đến định lượng cụ thể và phải có những hệ thống chuẩn. Nếu không có hệ thống chuẩn chung sẽ dẫn đến việc áp dụng mỗi nơi một khác, phát sinh mâu thuẫn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Như thực tế hiện nay, khi bị thu tiền, được thông báo số nước, số điện rồi thời gian đàm thoại… thì chúng ta cũng chỉ biết vậy chứ tiêu chuẩn, đo lường ra sao… đều không biết. Đó là nói về số lượng chứ chưa nói đến chất lượng. Do vậy, dự thảo luật cần quy định sao cho cụ thể rõ ràng, điều chỉnh được những khúc mắc hiện nay trong xã hội để Luật ra đời có thể áp dụng, điều chỉnh tốt những quan hệ phát sinh trong cuộc sống.

Về Luật Tố cáo, các ĐB phản ánh, qua theo dõi chung trong thời gian qua, có luật khiếu nại tố cáo, tình trạng giải quyết đơn tố cáo gặp rất nhiều khó khăn vì cơ chế bảo vệ người tố cáo rất chung chung. Thông thường, bản thân nội dung tố cáo liên quan rất nhiều vấn đề khác nên nguy cơ đe dọa rất cao. Trong khi đó, hiện nay giao cho chính quyền địa phương bảo vệ người tố cáo nhưng trách nhiệm không cụ thể.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của một số ĐB thì không nên xem xét đơn tố cáo nặc danh, nhưng lại có ý kiến cho rằng, tố cáo nặc danh hay xưng danh “cái nào cũng có lý” vì tính trong bối cảnh người tố cáo chưa được bảo vệ, nhất là những cơ quan nhà nước, tập đoàn, tổng công ty. Thực tế, xử lý tố cáo có hai con đường đúng và sai nên nếu tố cáo sai thì phải xử lý người tố cáo. Nếu qui định, không xem xét đơn tố cáo nặc danh nhưng “nếu sau này cơ quan hình sự vào điều tra đúng như thật thì trách nhiệm của người nhận đơn thế nào” - ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt câu hỏi.

Các ĐB còn băn khoăn khi dự thảo Luật chưa đề cập đến một số vấn đề giải quyết tố cáo đông người, tố cáo cá nhân gửi đi nhiều nơi, hết khiếu nại thì chuyển sang tố cáo…/.

H.Giang - T.Hằng