Bảo vệ người tố cáo: Tránh để “rò rỉ” thông tin

19/11/2010
“Doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bị đòi tiền chẳng lẽ lại không có quyền tố cáo? Như thế là bỏ đi một kênh rất quan trọng để phát hiện tiêu cực” - Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng góp ý vào dự án Luật tố cáo tại diễn đàn Quốc hội sáng qua (18/11)

Sao không cho tổ chức quyền tố cáo?

Đây là câu hỏi được nhiều ĐBQH đặt ra khi thảo luận về chủ thể có quyền tố cáo.

ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng nên quy định chủ thể tố cáo là công dân như quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, bởi tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân, không nên mở rộng chủ thể tố cáo là tổ chức vì sẽ “rất khó quy trách nhiệm cho từng cá nhân khi tố cáo sai”.

Đồng tình, ĐB Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cho rằng quy định “chủ thể tố cáo là công dân” vừa đúng với Hiến pháp, vừa phù hợp với chính sách hình sự của nước ta hiện nay là cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Mặt khác, trên thực tế, mặc dù vẫn có tổ chức đứng ra tố cáo, nhưng hiệu quả như thế nào cũng chưa được cơ quan chức năng đánh giá phân tích đầy đủ. Do đó, trước mắt khi chưa có đủ cơ sở và điều kiện cần thiết theo ĐB Long thì chưa nên quy định tổ chức là chủ thể tố cáo.

Tuy nhiên, khác với quan điểm của các ĐB nêu trên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng sau khi dẫn hiện tượng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bị vòi tiền đã đặt dấu hỏi: tại sao trong trường hợp này họ lại không được tố cáo? “Như vậy là bỏ qua một kênh quan trọng để phát hiện tiêu cực” - Ông Vượng nói và đề nghị cần phải xem xét đến chủ thể khác ngoài công dân có quyền tố cáo.

Còn ĐB Lê Việt Trường (An Giang) thì cho rằng: cần phải phân biệt giữa hai đối tượng là tổ chức đứng ra tổ cáo và nhiều người cùng tố cáo một vụ việc. “Nếu tổ chức đứng ra tố cáo hay là một cơ quan đứng ra tố cáo thì hoàn toàn hợp pháp và nên đưa vào đối tượng áp dụng của Luật. Còn trường hợp nhiều người cùng ký vào một cái đơn để tố cáo thì không nên chấp nhận”. Ông Trường nói và lý giải: chúng ta đã có quy định là công dân có quyền tố cáo, cho nên  không có lý do gì mà anh lại tự bỏ quyền của mình đi, mà cứ độc lập đứng ra mà đi tố cáo chứ việc gì mà phải nhờ vào một cái đơn của người khác để ký vào.

Bảo vệ người tố cáo: phải đảm bảo tính khả thi

Dự thảo Luật trình Quốc hội đã dành 4 điều quy định về bảo vệ người tố cáo và đây là quy định được rất nhiều ĐBQH tập trung thảo luận.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng: một trong những nguyên nhân của tố cáo nặc danh còn nhiều vì nó liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo. ĐB Châu đề nghị Luật cần quy định thêm các biện pháp thật cụ thể từ bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo đến cácbiện pháp giải quyết hậu quả như bị trả thù, bị trù dập mà người tố cáo có thể phải gánh chịu do việc tố cáo của mình gây ra.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lưu ý: phải bảo vệ người tố cáo ngay cả trong trường hợp tố cáo nặc danh. Theo giải thích của ĐB này, công bố một đơn nặc danh lập tức người ta biết ngay ai viết đơn, vì người biết được sự việc ấy không nhiều, có quan hệ với nhau như thế nào…”. Nếu chúng ta không bảo vệ được người đi tố cáo mà bản thân họ bị thiệt hại, Nhà nước cần có chính sách xem như bồi thường cho những người đấy vì chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ của mình” - ĐB Xuân đề nghị.

ĐB Lê Việt Trường sau khi phân tích việc rò rỉ thông tin đã đề nghị: cần có quy định chung là mỗi một người dân đều phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về người tố cáo nếu biết được thông tin đó do vô tình hay hữu ý. Bên cạnh đó, cần phải quy định cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo phải bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo, không cần người ta phải đưa ra yêu cầu. Đồng thời, công tác xử lý đơn thư tố cáo phải được quy định hết sức chặt chẽ, giảm bớt các khâu trung gian càng nhiều càng tốt để sau này đỡ rò rỉ thông tin, có điều kiện để xác định rò rỉ ở khâu nào và do ai.

Nhiều ĐB cũng cho rằng quy định về bảo vệ người tố cáo theo Dự thảo Luật là chưa rõ và thiếu tính khả thi.

Thu Hằng – Hương Giang

Chốt danh sách trả lời chất vấn

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, hôm qua (18/11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết: trong phiên chất vấn đầu tuần tới (từ 22 đến hết sáng 24/11), Thủ tướng Chính phủ và bốn vị bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Y tế, Tài chính, Giao thông Vận tải sẽ đăng đàn.

Trong đó: Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được 37/203 chất vấn, tập trung vào các nhóm vấn đề liên quan đến thủy điện, thiếu điện, điều hành xuất nhập khẩu (nhất là than, muối, hàng cao cấp xa xỉ, phế thải công nghiệp) và tình trạng giá cả tăng nhanh. Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu là người trả lời chất vấn thứ hai. Các nhóm vấn đề được đưa với vị Bộ trưởng này là giải pháp giảm tải một số bệnh viện, quản lý giá thuốc, tăng viện phí...
            Riêng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ trả lời chất vấn về những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, đó là quản lý, sử dụng ngân sách, nợ công, quản lý giá, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới Vinashin và trách nhiệm của Bộ Tài chính.
          Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đăng đàn với các vấn đề: phân công quản lý, trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước , trực tiếp là Vinashin; tình trạng ùn tắc giao thông…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ phát biểu tại phiên chất vấn để làm rõ một số vấn đề liên quan.