Việt Nam tham dự và đóng góp tích cực vào kết quả của Chương trình quan chức pháp luật Chính phủ các nước ASEAN (ASEAN Government Law Officials Program)

20/11/2010
Trong 2 ngày 8 và  9 tháng 11 năm 2010, tại thủ đô Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do Bà Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị  trong khuôn khổ Chương trình quan chức pháp luật Chính phủ các nước ASEAN về triển khai hành động dựa trên cơ sở  Hiến chương ASEAN.

Hội nghị AGLOP do Ban Thư ký ASEAN tổ chức lần này cũng là nhằm triển khai cam kết đã được  các nước ASEAN nhất trí thông qua  tại Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp các nước  ASEAN (ASLOM) lần thứ 13 được tổ chức tại Ba Li, In-đô-nê-xi-a cách đây nửa năm (tháng 4 năm 2010).

Hội nghị AGLOP lần này tập trung thảo luận về Tư cách pháp nhân của ASEAN và Cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN. Các đại biểu đến từ 10 nước ASEAN đã được nghe các chuyên gia pháp luật của ASEAN trình bày và trao đổi chuyên sâu những nội dung liên quan dưới góc nhìn quan chức pháp luật các quốc gia ASEAN.

Bài viết này tóm tắt những nội dung của Hội nghị, trong đó có vấn đề  Hiến chương ASEAN, tư cách pháp nhân của ASEAN, Cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN và sự tham gia và đóng góp của Đoàn Việt Nam vào việc hoàn thiện và thực thi các công cụ pháp lý quốc tế trong khuôn khổ hợp tác ASEAN

1. Về Hiến chương ASEAN, tư cách pháp nhân của ASEAN:

Các đại biểu tham dự đã rà soát và thảo luận sâu các vấn đề về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các thiết chế thuộc ASEAN như 1) Hội nghị Cấp cao ASEAN (ASEAN Summit) với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của ASEAN; 2) Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (ASEAN Ministerial Meeting-AMM) - hội nghị hàng năm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhằm đề ra và phối hợp các hoạt động của ASEAN; 3) Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Ministers-AEM) cũng như Hội đồng AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN) trực thuộc AEM với chức  năng theo dõi, phối hợp và báo cáo việc thực hiện chương trình ưu đãi quan thuế có hiệu lực chung (CEPT) của AFTA; 4)  Hội nghị Bộ trưởng các ngành trong các lĩnh vực hợp tác ASEAN với chức năng điều hành các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực này; 5) Hội nghị liên Bộ trưởng (Join Ministerial Meeting-JMM)– bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với nhiêm vụ thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành và trao đổi ý kiến về hoạt động của ASEAN; 6) Tổng thư ký ASEAN; 7)  Uỷ ban thường trực ASEAN (ASEAN Standing Committee-ASC); 8) Cuộc họp các quan chức cao cấp (Senior Officials Meeting-SOM); 9) Cuộc họp các quan chức kinh tế cao cấp (Senior Economic Officials Meeting-SEOM); 10)  Cuộc họp các quan chức cao cấp khác, trong đó có ASLOM; 11)  Cuộc họp tư vấn chung (Joint Consultative Meeting-JCM); 12) Các cuộc họp của ASEAN với các Bên đối thoại; 13)  Ban thư ký ASEAN quốc gia  - đặt trong bộ máy của Bộ Ngoại giao để tổ chức, thực hiện và theo dõi các hoạt động liên quan đến ASEAN của nước mình. 14) Uỷ ban ASEAN ở các nước thứ ba nhằm mục đích tăng cường trao đổi và thúc đẩy mối quan hệ giữa ASEAN với bên đối thoại đó và các tổ chức quốc tế ASEAN; 15) Ban thư ký ASEAN v.v..

Các nguyên tắc hoạt động chính của ASEAN  cũng là vấn đề được rà soát và thảo luận sâu sắc hơn bao gồm 1) Các nguyên tắc làm nền tảng cho quan hệ giữa các Quốc gia thành viên và với bên ngoài  (5 nguyên tắc chính đã được nêu trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam á (Hiệp ước Ba-li), kí tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ I tại Ba-li năm 1976)[i]; 2) Các nguyên tắc điều phối hoạt động của Hiệp hội như nguyên tắc nhất trí (consensus)[ii], nguyên tắc bình đẳng[iii]; 3) nguyên tắc 6-X[iv] cũng như 4)  Các nguyên tắc khác[v].  

Như vậy, Hiến chương ASEAN đã bao hàm tất cả những nguyên tắc cơ bản của ASEAN như tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của các nước thành viên; từ bỏ xâm lược, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc bất kỳ hành động nào trái với luật pháp quốc tế; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình... Ðồng thời, Hiến chương cũng bổ sung một số nội dung và nguyên tắc mới như: trao tư cách pháp nhân cho tổ chức ASEAN, tăng cường tham vấn về những vấn đề lớn có ảnh hưởng đến lợi ích chung của ASEAN; không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào nhằm sử dụng lãnh thổ của một nước thành viên đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định kinh tế của các nước thành viên khác...  

Hội nghị nhất trí rằng sự ra đời và thực hiện Hiến chương ASEAN là một bước phát triển tất yếu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua Hiến chương ASEAN, tất cả nguyên tắc, luật lệ và hành xử của ASEAN từ trước đến nay đã được cập nhật và pháp điển hóa một cách có hệ thống trong một văn kiện pháp lý. Các nước thành viên ASEAN không chỉ thực hiện các cam kết trong ASEAN bằng thiện chí hợp tác và tinh thần tự nguyện mà còn có nghĩa vụ pháp lý phải tuân thủ.  

Các đại biểu khẳng định rằng sự ra đời của Hiến chương ASEAN thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo ASEAN về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và vững mạnh hơn, trước hết nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên cơ sở ba cột trụ an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội.  Với bản Hiến chương này, ASEAN  - một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng trong trong khu vực đã có đủ tư cách pháp lý để ký kết, tham gia các điều ước quốc tế nhằm nâng cao vai trò của khối. Tuy nhiên, việc thực hiện Hiến chương ASEAN cũng đòi hỏi các quốc gia thành viên phải điều chỉnh bộ máy và phương thức hoạt động theo hướng gia tăng tính ràng buộc lẫn nhau, các nước thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, tập quán và các thỏa thuận của ASEAN.

2. Về Cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN. 

Các đại biểu đánh giá cao Nghị định thư về Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN, một văn kiện quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý theo quy định của Hiến chương ASEAN đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ký  tại Hà Nội vào ngày 8 tháng 4 năm 2010. Văn bản này nhằm giải quyết một cách “công bằng và hợp lý”các tranh chấp nảy sinh do sự nhận thức khác nhau trong quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN và các công cụ của Hiến chương.  

Các chuyên gia pháp luật của Chính phủ các nước đã trình bày và thảo luận kỹ về 4 phương thức giải quyết tranh chấp được trình bày trong Nghị định thư bao gồm trọng tài, môi giới, trung gian, hòa giải. Các bên thứ ba có thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp nếu như các bên có tranh chấp đồng ý. 

Hội nghị AGLOP lần này còn được nghe trình bày của các chuyên gia EU về kinh nghiệm xây dựng và phát triển EU thành một cộng đồng vững mạnh như hiện nay. Các chuyên gia cũng bày tỏ việc sằn sàng giúp đỡ chuyên gia pháp luật ASEAN nhằm xây dựng thiết chế này thành một cộng đồng ngày càng lớn mạnh.

3. Về sự tham gia và đóng góp của Đoàn Việt Nam: 

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị đã có những đóng góp tích cực vào việc thảo luận các nội dung trong chương trình nghị sự. Với tư cách là chuyên gia pháp luật đã từng tham gia nhiều Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM), Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh một trong các nội dung đã được thảo luận tại các Hội nghị gần đây  về việc mở rộng, tăng cường chức năng, nhiệm vụ của ASLOM nhằm hỗ trợ việc điều phối quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật quốc tế giữa các nước ASEAN. ASLOM cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các nguồn luật cho ASEAN.  Đối với từng nội dung cụ thể trong Kế hoạch hoạt động, ASLOM có thể thành lập Nhóm chuyên gia lâm thời. Tương ứng với  mỗi Nhóm chuyên gia lâm thời, sẽ có một Báo cáo viên được chỉ định nhằm mục đích chuẩn bị báo cáo cho ASLOM về công việc của nhóm làm việc đó. 

Đặc điểm chính của mô hình ASLOM mới (nguyên là Đề xuất của Brunei Darussalam tại ASLOM 9, 10) được Trưởng đoàn Việt Nam đề cập lại là:

- ASLOM mới sẽ là thiết chế chủ yếu của ASEAN có nhiệm vụ cung cấp các nguồn và kinh nghiệm pháp luật nhằm hình thành các công cụ pháp luật quốc tế, các thoả thuận, Hiệp định hay Luật Mẫu theo hướng dẫn của các Uỷ ban của ASEAN và Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN;

- ASLOM mới sẽ làm việc như Uỷ ban thứ 6 (về pháp luật) của Liên Hợp quốc với mục tiêu lâu dài là tiến tới chuyển hoá ASLOM thành một thiết chế pháp luật, giống như Uỷ ban Luật quốc tế (ILC), hay Uỷ ban của Liên hợp quốc về pháp luật thương mại (UNCITRAL), riêng biệt và duy nhất cho ASEAN;

- ASLOM có thể thành lập các Nhóm chuyên gia lâm thời về các chủ đề hay lĩnh vực pháp luật cụ thể theo uỷ nhiệm của các thiết chế có thẩm quyền hoặc của các uỷ ban thuộc cơ cấu ASEAN;

- ASLOM cũng sẽ tăng cường sự phát triển của pháp luật quốc tế hiện đại trong khuôn khổ ASEAN;

- Thiết chế này cũng sẽ được giao chuẩn bị các Dự thảo ban đầu của các Hiệp định hay thoả thuận của ASEAN cũng như các công cụ pháp lý quốc tế khác theo uỷ quyền của Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp hoặc các thiết chế khác của ASEAN;

- ASLOM cũng sẽ là cơ quan điều phối hoạt động với các tổ chức quốc tế khác hoạt động trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các thiết chế đó, ví dụ như với UNCITRAL hoặc ILC;

- Cơ quan này cũng sẽ tăng cường hoặc giới thiệu các biện pháp nhằm nhất thể hoá việc giải thích và áp dụng các Công ước quốc tế và Luật thống nhất trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, thông qua việc soạn thảo những Luật Mẫu để các thành viên ASEAN thông qua.

Đại diện đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của  bộ phận pháp chế (Ban/Phòng Pháp chế) mới được thành lập trong Ban Thư ký của ASEAN với chức năng, nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp và tư vấn về các vấn đề pháp lý của ASEAN thông qua việc hỗ trợ công tác thư ký cho ASLOM. Đoàn Việt Nam đề nghị cần chú trọng hơn trách nhiệm của bộ phận Thư ký vviệc hợp tác với nước chủ nhà trong việc soạn thảo các tài liệu cần thiết. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bộ phận pháp chế này sẽ là:

- Phối hợp với Báo cáo viên chuyên trách về từng vấn đề cụ thể trong việc cung cấp những thông tin cũng như các tài liệu cần thiết để thảo luận;

- Duy trì và giám sát Chương trình làm việc của ASLOM;

- Tuyên truyền, phổ biến các thông tin về mọi Luật Mẫu hay các văn bản pháp lý do ASLOM đưa ra v.v…[vi] 

Liên quan tới Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN, Trưởng đoàn Việt Nam[vii] cũng chia sẻ những băn khoăn của mình với cơ chế giải quyết tranh chấp (DSM) của ASEAN khi so sánh với cơ chế này trong WTO bởi lẽ DSM của ASEAN  thuộc loại các cơ chế DSM theo thương thuyết ngoại giao, con cơ chế của  WTO la cơ chế giải quyết theo luật.[viii] Trong khi các khuyến nghị và phán quyết đã được thông qua bằng cơ chế DSM trong WTO chặt chẽ,  có vai trò thống trị trong việc giải quyết các tranh chấp của thương mại quốc tế, thì thủ  tục panel, phúc thẩm và thông qua phán quyết của ASEAN còn mang nặng tính chất ngoại giao, chính trị và kém tính pháp lý, minh bạch và rõ ràng. Cũng chính các quy định quá chung chung này của ASEAN sẽ không khuyến khích bất kỳ thành viên nào khởi kiện vì họ không thể lường trước được kết quả thắng thua.[ix] Báo cáo của panel trong ASEAN có thể chỉ được coi là tài liệu tham khảo vì SEOM chỉ dựa vào báo cáo và có thể ra bất kỳ quyết định nào, trong khi đó Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO chỉ có quyền quyết định thông qua hoặc không thông qua báo cáo của panel.    

Tóm lại DSM của ASEAN  thuộc loại các cơ chế DSM theo thương thuyết ngoại giao, còn cơ chế của WTO thuộc vào các cơ chế giải quyết theo luật. Điều này cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những ảnh hướng tương đồng từ vấn đề lịch sử và truyền thống dân tộc của các nước ASEAN.[x] Ngoài ra, số lượng các cuộc họp trong ASEAN ngày một tăng (300-400 cuộc họp ASEAN hàng năm tại nhiểu cấp khác nhau) cũng là một cơ hội lớn để các bên tranh chấp gặp gỡ và tự thỏa thuận với nhau về các bất đồng mà không cần tới DSM.

Kết luận: 

Một ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở pháp lý là Hiến chương sẽ giúp duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực, hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam và các nước ASEAN khác phát triển kinh tế-xã hội cũng như hội nhập khu vực và quốc tế, gia tăng vị thế quốc tế trong quan hệ với các đối tác bên ngoài. Song, việc thực hiện Hiến chương ASEAN cũng đòi hỏi mỗi nước thành viên phải nghiêm túc hơn và chuyên nghiệp hơn trong việc tham gia đàm phán và thực hiện các quyết định, thỏa thuận hợp tác của ASEAN, quan tâm hơn đến các mục tiêu chung của ASEAN nhằm bảo đảm sự gắn kết và lồng ghép hài hòa giữa các ưu tiên phát triển của quốc gia và khu vực, điều chỉnh tổ chức bộ máy trong nước cũng như đầu tư nguồn lực và nhân lực thích đáng hơn, để tham gia hợp tác ASEAN một cách có chủ động và hiệu quả. 

Với thế và lực của đất nước tăng lên, Việt Nam đang có những cơ hội rất thuận lợi đóng vai trò tích cực, có trách nhiệm và chủ động hơn trong việc thực hiện Hiến chương ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như các thể chế, quy tắc, quy định và các cơ chế ra quyết định của ASEAN nhằm nâng cao vị thế, ảnh hưởng của Việt Nam trong ASEAN.


[i] Trong quan hệ với nhau, các nước ASEAN luôn tuân theo 

a/ Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các dân tộc; 

b/ Quyền của mọi quốc gia được lãnh đạo hoạt động của dân tộc mình, không có sự can thiệp, lật đổ hoặc cưỡng ép của bên ngoài; 

c/ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 

d/ Giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, thân thiện; 

e/ Không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực; 

f/ Hợp tác với nhau một cách có hiệu quả; 

[ii] tức là một quyết định chỉ được coi là của ASEAN khi được tất cả các nước thành viên nhất trí thông qua. Nguyên tắc này đòi hỏi phải có quá trình đàm phán lâu dài, nhưng bảo đảm được việc tính đến lợi ích quốc gia của tất cả các nước thành viên. Đây là một nguyên tắc bao trùm trong các cuộc họp và hoạt động của ASEAN . 

[iii] Nguyên tắc này thể hiện trên 2 mặt. Thứ nhất, các nước ASEAN, không kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều bình đẳng với nhau trong nghĩa vụ đóng góp cũng như chia xẻ quyền lợi. Thứ hai, hoạt động của tổ chức ASEAN được duy trì trên cơ sở luân phiên, tức là các chức chủ toạ các cuộc họp của ASEAN từ cấp chuyên viên đến cấp cao, cũng như địa điểm cho các cuộc họp đó được phân đều cho các nước thành viên trên cơ sở luân phiên theo vần A,B,C của tiếng Anh. 

[iv] Để tạo thuận lợi và đẩy nhanh các chương trình hợp tác kinh tế ASEAN , trong Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 4 ở Xin-ga-po tháng 2/1992, các nước ASEAN đã thoả thuận nguyên tắc 6-X, theo đó hai hay một số nước thành viên ASEAN có thể xúc tiến thực hiện trước các dự án ASEAN nếu các nưóc còn lại chưa sẵn sàng tham gia, không cần phải đợi tất cả mới cùng thực hiện

[v] Trong quan hệ giữa các nước ASEAN đang dần dần hình thành một số các nguyên tắc, tuy không thành văn, không chính thức song mọi người đều hiểu và tôn trọng áp dụng như: nguyên tắc có đi có lại, không đối đầu, thân thiện, giữ gìn đoàn kết ASEAN và giữ bản sắc chung của Hiệp hội…. 

[vi] Đề xuất của Brunei về việc thành lập mới bộ phận pháp chế trong Ban Thư ký của ASEAN cũng chính là một trong các nội dung của sáng kiến mà Việt Nam dự định đưa ra thảo luận chính thức tại Hội nghị ASLOM 10, tổ chức tại Hà Nội vào năm 2005. Tại ASLOM lần thứ 9, Hội nghị cũng nhận thấy có điểm trùng nhau trong các đề xuất của Brunei Darussalam và Việt Nam, liên quan đến việc thành lập bộ phận pháp chế trong Ban Thư ký ASEAN. Tuy nhiên, ASLOM 9 cũng đã nhất trí ghi nhận nội dung đề xuất của Brunei và thống nhất đề nghị hai nước Việt Nam và Brunei cùng nhau tiếp tục thảo luận nhằm hiện thực hoá đề xuất này.

[vii]   Trưởng đoàn Việt Nam đã được lựa chọn là đại diện của Việt Nam vào danh sách các ứng cử viên cho Panel về giải quyết tranh chấp trong ASEAN từ năm 2005 đến nay.

[viii] Điểm khác biệt tiêu biểu giữa DSM của hai thiết chế ASEAN  -WTO là ở chỗ Cơ quan phúc thẩm trong ASEAN là Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế gồm các chính trị gia, trong khi đó thì Cơ quan phúc thẩm của WTO gồm các chuyên gia pháp  luật hàng đầu thế giới. Một khác biệt nữa là ở cơ chế thi hành phán quyết của ASEAN với đầy màu sắc chính trị, thiếu rõ ràng và không minh bạch so với WTO và các cơ chế giải quyết tranh chấp khác. Nếu so sánh các quy định về trả đũa thương mại, sẽ thấy rõ sự khác biệt ở  chỗ trong khi cơ chế của ASEAN rất mập mờ và hoàn toàn tuỳ thuộc vào quyết định của AEM bao gồm các chính trị gia, thì WTO sử dụng trọng tài độc lập để xác định mức độ thiệt hài và trả đũa tương ứng.  

[ix] Theo số liệu thống kê chính thức thì chưa có vụ việc nào đươc giải quyết theo DSM của ASEAN. 

[x] Nhiều nước ASEAN cũng như các nước Châu Á khác thuần nhất về văn hoá, chủng tộc và chịu ảnh hưởng của đạo Khổng. Người dân Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng chia sẻ cho nhau nhiều giá trị và hiểu nhau dễ dàng hơn người các nước phương Tây vốn đa dạng hơn về chủng tộc.  Giá trị đạo đức được đặc biệt chú trọng tại Châu Á. Một lời xin lỗi cá nhân,  hay sự thể hiện lòng thông cảm,  thay vì sự khẳng định độc đoán rằng vấn đề này là đúng hay sai, có thể ngăn được một tranh chấp thực sự, hoặc có thể làm đơn giản hoá việc giải quyết tranh chấp.   Pháp luật nói chung hay cơ chế giải quyết tranh chấp nói riêng tại các nước Châu Á, có thể vì thế mà đôi khi còn mang tính hình thức, được coi là  khó trong việc thiết lập những chuẩn mực và nguyên tắc pháp lý. Đặc trưng của việc giải quyết tranh chấp một cách hoàn toàn không chính thức tại nhiều nước Châu Á cũng như ASEAN là ở chỗ, người dân nước này thường cố tránh hình thức giải quyết tranh chấp tại Toà án và thay vào đó là giải quyết bằng hoà giải, hay bằng một phương thức không có sự can thiệp của bên thứ ba. Điều này thể hiện ở tỉ lệ khá thấp các vụ kiện tụng tại các nước ASEAN, đặc biệt là trong các vụ tranh chấp hành chính mà Chính phủ là bị đơn,  và một mặt, theo đó, là quan điểm tự kiềm chế của Toà án, đối với các vụ kiện hành chính.

 

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

__________________________

Bài có liên quan: