Quy định mới về việc trực tiếp thi hành bản án, quyết định của Thừa phát lại (Phần VII)

20/11/2009
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì ngoài các công việc mà TPL được làm bao gồm thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan THADS; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự thì TPL còn được giao trực tiếp tổ chức THA các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự, ngoại trừ các bản án, quyết định thuộc diện chủ động ra quyết định THA của Thủ trưởng Cơ quan THADS.

Trong THADS việc tổ chức thi hành bản án, quyết định bao gồm nhiều công đoạn, nhiều hoạt động tác nghiệp khác nhau; các vụ việc về THA cũng rất khác nhau, có vụ việc đơn giản, có vụ việc phức tạp, có vụ việc đương sự tự nguyện thi hành, có vụ việc Cơ quan THADS phải áp dụng biện pháp cưỡng chế... Do đó, việc xác định những công việc nào, công đoạn nào của quá trình THA để giao cho TPL tổ chức thi hành trong giai đoạn thí điểm là vấn đề đã được nghiên rất kỹ lưỡng. Trong quá trình xây dựng thể chế cho sự ra đời và hoạt động của tổ chức TPL, các phương án xác định phạm vi trách nhiệm của TPL trong việc trực tiếp tổ chức THADS cũng đã được đưa ra xem xét, cụ thể: một là, trực tiếp tổ chức thi hành các vụ việc về THA theo yêu cầu của đương sự, kể cả các việc ra quyết định và áp dụng biện pháp cưỡng chế THA; hai là, trực tiếp tổ chức thi hành các vụ việc về THA theo yêu cầu của đương sự, tuy nhiên, đối với những vụ việc cần thiết áp dụng biện pháp cưỡng huy động lực lượng thì TPL đề nghị Trưởng cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt; ba là, trực tiếp thi hành một số vụ việc đơn giản, không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA theo yêu cầu của đương sự.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng thể những ưu điểm và hạn chế của các phương án đã được nêu ra, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP đã quy định việc trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự của TPL như sau:

Một là, về thẩm quyền, phạm vi THA của TPL

Điều 34 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định TPL được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định:

- Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi TPL đặt văn phòng;

- Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi TPL đặt văn phòng;

- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi TPL đặt văn phòng.

Ngoài ra, TPL có thể tổ chức thi hành các bản án, quyết định nêu trên ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng TPL nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng TPL.

Hai là, về quyền yêu cầu THA

Điều 35 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về quyền yêu cầu THA như sau:

- Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một văn phòng TPL hoặc Cơ quan THADS tổ chức THA.

Theo quy định tại khoản 1 Mục II Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh thì trường hợp người được THA được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người phải thi hành thì cùng một thời điểm, người được THA chỉ có quyền yêu cầu Cơ quan THADS hoặc một văn phòng TPL tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được THA có quyền đồng thời yêu cầu Cơ quan THADS, văn phòng TPL thi hành riêng đối với từng khoản.

Nếu trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được THA mà những người đó yêu cầu Cơ quan THADS và văn phòng TPL tổ chức thi hành thì văn phòng TPL và Cơ quan THADS phải phối hợp với nhau trong THA, cụ thể: Trưởng văn phòng TPL phải gửi các quyết định về THA cho Chi cục THADS nơi đặt Văn phòng; cung cấp thông tin và phối hợp với Cơ quan THADS có liên quan trong việc xử lý tài sản kê biên, thanh toán tiền THA. Trưởng văn phòng TPL phải phối hợp với Trưởng văn phòng TPL khác có liên quan trong việc xử lý tài sản kê biên, thanh toán tiền THA.

Đương sự có quyền yêu cầu văn phòng TPL xác minh điều kiện THADS[1] trong trường hợp vụ việc đó đang do Cơ quan THADS trực tiếp tổ chức thi hành.

- Thời hiệu yêu cầu THA theo quy định của Luật THADS. Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì TPL thực hiện các thủ tục về THA theo quy định của Nghị định này, trong trường hợp Nghị định này không quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật về THADS. Điều này có nghĩa là việc xác định cách tính thời hiệu yêu cầu THA của văn phòng TPL cũng được thực hiện như đối với cách tính thời hiệu yêu cầu THA của cơ quan THADS, cụ thể:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật THADS thì thời hiệu yêu cầu THA là thời hạn mà người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức THA; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức THA theo quy định của Luật này. Điều 30 Luật THADS quy định cụ thể về thời hiệu yêu cầu THADS như sau:

+ Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định THA. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

+ Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ THA theo quy định của Luật THADS thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu THA, trừ trường hợp người được THA đồng ý cho người phải THA hoãn THA.

+ Trường hợp người yêu cầu THA chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu THA đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu THA.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP thì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;

+ Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu THA đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan THADS hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu THA đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu THA theo quy định của pháp luật.

Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể gửi đơn yêu cầu THA đúng hạn theo quy định thì đương sự có quyền gửi đơn đề nghị Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền THA xem xét. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc xảy ra trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu THA đúng hạn không tính vào thời hiệu yêu cầu THA.

Đơn đề nghị phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan THADS nơi yêu cầu; họ, tên địa chỉ của người được THA, người phải THA, nội dung của việc THA, lý do không thể yêu cầu THA đúng hạn. Kèm theo đơn phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu THA đúng hạn.

Đối với trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hay do trở ngại khách quan khác xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu THA đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Đối với trường hợp do phải chữa bệnh nội trú nên không thể yêu cầu THA đúng hạn thì phải có xác nhận hoặc giấy nhập viện, xuất viện của tổ chức y tế cấp huyện trở lên. Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu THA đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó. Đối với những trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu THA đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.

Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu THA đúng hạn.

Ba là, thỏa thuận về THA và quyết định THA của TPL[2]

Để văn phòng TPL thực hiện các thủ tục THA theo yêu cầu của đương sự thì giữa đương sự và văn phòng TPL phải tiến hành các thủ tục thỏa thuận về THA. Điều 44 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về việc thỏa thuận về THA này như sau:

- Người yêu cầu THA và văn phòng TPL thỏa thuận về việc THA. Văn bản thỏa thuận thể hiện dưới hình thức hợp đồng và có các nội dung chủ yếu sau: ngày, tháng, năm yêu cầu THA; các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định; chi phí, phương thức thanh toán; các thỏa thuận khác, nếu có. Văn bản thỏa thuận THA được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

- Văn phòng TPL phải vào sổ thụ lý văn bản thỏa thuận về THA.

Sau khi người yêu cầu và văn phòng TPL thỏa thuận được việc THA thì văn phòng TPL sẽ tiến hành các thủ tục THA theo quy định. Điều 37 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về quyết định THA của Trưởng văn phòng TPL như sau:

- Trưởng văn phòng TPL ra quyết định THA trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng thỏa thuận THA[3] với người yêu cầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Quyết định THA có các nội dung: tên, địa chỉ Văn phòng TPL; ngày, tháng, năm ra văn bản; nội dung yêu cầu người phải THA thi hành; thời hạn để người phải THA tự nguyện thi hành.

- Văn phòng TPL phải vào sổ theo dõi quyết định THA[4].

- Quyết định THA phải được gửi cho Cơ quan THADS cấp huyện tại nơi có văn phòng TPL để phối hợp thi hành.

Bốn là, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THADS của TPL

- Về áp dụng biện pháp bảo đảm THA: Điều 38 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định TPL có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm THA theo quy định tại khoản 3, Điều 66 của Luật THADS bao gồm phong toả tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. 

Khi áp dụng các biện pháp bảo đảm THA, TPL có quyền và nghĩa vụ như CHV, thực hiện các thủ tục quy định tại Điều 66, Điều 67, Điều 68 và Điều 69 của Luật THADS.

- Về áp dụng biện pháp cưỡng chế THA của TPL, Điều 39 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định như sau:

+ Sau khi hết thời hạn tự nguyện đã được ấn định trong quyết định THA, TPL có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quy định tại Điều 71 của Luật THADS, trừ trường hợp đề nghị Thủ trưởng Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế THA theo quy định tại Điều 40 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

+ Quyết định cưỡng chế THADS có các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ văn phòng TPL; họ, tên TPL ra quyết định cưỡng chế THA; căn cứ ra quyết định cưỡng chế; đối tượng và biện pháp cưỡng chế THA áp dụng; thời gian, địa điểm áp dụng biện pháp cưỡng chế THA.

+ Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, TPL có quyền, nghĩa vụ như CHV và thực hiện theo quy định của pháp luật về THADS.

- Về áp dụng biện pháp cưỡng chế của TPL trong trường hợp huy động lực lượng bảo vệ, Điều 40 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định như sau:

+ Trong trường hợp cưỡng chế THA cần huy động lực lượng bảo vệ, văn phòng TPL phải lập kế hoạch cưỡng chế; có văn bản gửi Thủ trưởng Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh, kèm theo hồ sơ THA để Thủ trưởng Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh xem xét, ra quyết định cưỡng chế THA và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế THA.

+ Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của văn phòng TPL, Thủ trưởng Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh phải ra quyết định cưỡng chế và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế THA. Đối với đề nghị cần áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay để bảo đảm THA, thì Thủ trưởng Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh phải có ý kiến trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của văn phòng TPL. Trường hợp không phê duyệt phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

+ Sau khi được phê duyệt, TPL thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật THADS và quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về cưỡng chế THA.

Ngoài ra, khoản 3 Mục II Thông tư số 03/2009/TT-BTP đã hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này như sau: Văn bản của Trưởng văn phòng TPL đề nghị Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế phải có nội dung chủ yếu sau: Nội dung yêu cầu THA của đương sự theo bản án, quyết định; điều kiện THA của người phải THA; quá trình tổ chức THA; biện pháp cưỡng chế THA cần áp dụng; số lượng người, cơ quan tham gia bảo vệ cưỡng chế THA; thời gian, địa điểm dự kiến thực hiện việc cưỡng chế THA. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của văn phòng TPL, Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh phải ra quyết định cưỡng chế và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế, đồng thời gửi quyết định và kế hoạch cưỡng chế cho Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế THA.

Trường hợp Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý ra quyết định và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế  thì phải có văn bản trả lời văn phòng TPL nêu rõ lý do. Nếu không đồng ý với việc từ chối ra quyết định và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế, Trưởng văn phòng TPL có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh để xem xét ra quyết định giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng văn phòng TPL có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp để xem xét ra quyết định giải quyết trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành. Trưởng văn phòng TPL chủ động liên hệ với Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Công an cấp huyện nơi tổ chức cưỡng chế để phối hợp tổ chức việc  bảo vệ cưỡng chế theo quy định.

Năm là, chi phí cưỡng chế THA và việc thanh toán tiền THA

- Điều 41 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về chi phí cưỡng chế THA như sau:

+ Người phải THA, người được THA chịu các chi phí cưỡng chế THA quy định của pháp luật THADS.

+ TPL chịu chi phí cưỡng chế THA nếu việc cưỡng chế phải thực hiện lại do lỗi của TPL.

+ Người được THA và TPL có thể thỏa thuận về việc hỗ trợ thêm khoản chi phí cưỡng chế để tổ chức việc cưỡng chế THA.

Ngoài ra, khoản 4 Mục II Thông tư số 03/2009/TT-BTP còn hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này như sau: Trong trường hợp cưỡng chế, ngoài khoản chi phí cưỡng chế được thu theo quy định của pháp luật về THADS, văn phòng TPL và người yêu cầu THA có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí hợp lý khác.

- Về việc thanh toán tiền THA, Điều 42 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định số tiền THA, sau khi trừ các chi phí THA, được thanh toán như sau:

+ Số tiền THA thu được từ vụ việc nào thì TPL trả cho người được THA theo văn bản yêu cầu THA sau khi trừ chi phí TPL theo quy định và theo thỏa thuận giữa TPL và đương sự. Số tiền còn lại, nếu có, TPL phải trả lại cho người phải THA.

+ Nếu người phải THA phải thi hành đối với nhiều người được THA khác nhau do cùng một văn phòng TPL thụ lý, thi hành, thì số tiền THA thu theo quyết định cưỡng chế THA nào được thanh toán cho những người được THA đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được THA theo các quyết định THA khác tính đến thời điểm thanh toán. Việc thanh toán thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; b) Các khoản phải THA khác theo bản án, quyết định.

Nếu trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được THA thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được THA;

+ Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm THA một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về THA.

+ Thứ tự thanh toán tiền THA về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

+ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, TPL phải thực hiện việc thanh toán tiền THA quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều 42 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

+ Văn phòng TPL phải phối hợp với Cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản của người phải THA để đảm bảo THA.

Sáu là, chấm dứt việc THA của TPL

Điều 43 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về chấm dứt việc THA của TPL như sau:

- Việc THA của TPL chấm dứt trong các trường hợp sau:

+ Người phải THA đã thực hiện xong các nghĩa vụ THA theo văn bản yêu cầu THA hoặc người phải THA, người được THA là cá nhân chết, tổ chức, doanh nghiệp bị phá sản, giải thể mà không có ai kế thừa quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;

+ Vụ việc bị đình chỉ theo quy định của pháp luật;

+ Theo thỏa thuận giữa TPL và đương sự.

- Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt THA của TPL:

+ Khi việc THA chấm dứt, văn phòng TPL và người yêu cầu THA phải thanh lý văn bản yêu cầu THA;

+ Đối với số tiền, tài sản còn tồn đọng không có người nhận, thì văn phòng TPL xử lý theo quy định của Luật THADS và pháp luật về tài sản vắng chủ.

Ngoài ra, khoản 5 Mục II Thông tư số 03/2009/TT-BTP còn hướng dẫn cụ thể hơn về chấm dứt THA của TPL như sau: Trường hợp vụ việc chưa thi hành xong nhưng người yêu cầu đề nghị văn phòng TPL chấm dứt việc thi hành thì xử lý như sau:

+ Nếu người được THA có văn bản yêu cầu không tiếp tục việc THA thì Trưởng văn phòng TPL ra quyết định đình chỉ THA, trừ trường hợp việc đình chỉ THA ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người thứ ba theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật THADS. Các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Khoản tiền, tài sản đã thu được trả lại cho người phải THA.

+ Nếu người được THA đề nghị chấm dứt hợp đồng thì các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Khoản tiền, tài sản đã thu được xử lý theo quy định của pháp luật về THADS.

+ Thu hồi quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA; chấm dứt hợp đồng ủy quyền bán đấu giá, giải tỏa việc ngăn chặn; phong tỏa, kê biên tài sản, tài khoản và các văn bản liên quan khác (nếu có). Đối với vụ việc do Cục trưởng Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế THA thì văn phòng TPL có văn bản đề nghị Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh thu hồi quyết định cưỡng chế THA. Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh phải ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế THA trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của văn phòng TPL.

+ Trong quá trình thanh lý hợp đồng, nếu có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết. (Còn nữa).

Nguyễn Quang Minh


[1] Xem Phần VI. Quy định mới về việc xác minh điều kiện THADS của TPL.

[2] Xem thêm các mẫu quyết định, giấy báo (Phụ lục 3: Mẫu số  01/QĐ.THA/TPL), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP.

[3] Xem mẫu hợp đồng thực hiện công việc (Phụ lục 2: Mẫu số 05/HĐDV.TH/TPL ), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP.