Quy định mới về việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại (Phần VI)

16/11/2009
Xác minh điều kiện thi hành án (ĐKTHA) là thủ tục quan trọng trong quá trình tổ chức THA, kết quả của quá trình này cho phép xác định một bản án đã có hiệu lực pháp luật có điều kiện hay không có điều kiện thi hành để tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục THA tiếp theo. Nếu hết thời hạn tự nguyện THA, người phải THA có điều kiện mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế THA theo quy định. Việc xác minh ĐKTHA còn tùy thuộc vào loại vụ việc THA thuộc diện chủ động hay theo đơn yêu cầu.

Theo quy định tại Điều 20 Luật THADS năm 2008 thì CHV có nhiệm vụ xác minh tài sản, ĐKTHA của người phải THA, tuy nhiên, trong giai đoạn thí điểm chế định TPL tại Tp. Hồ Chí Minh thì TPL cũng có quyền xác minh ĐKTHA theo yêu cầu của đương sự theo quy định. Việc xác minh ĐKTHA của TPL được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan như sau:

1. Về thẩm quyền, phạm vi xác minh ĐKTHA

Điều 30 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, phạm vi xác minh ĐKTHA như sau:

- Về thẩm quyền: TPL có quyền xác minh ĐKTHA liên quan đến việc THA mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan THADS tại Tp. Hồ Chí Minh.

- Về phạm vi xác minh ĐKTHA: Khi thực hiện, TPL không chỉ được quyền xác minh ĐKTHA của đương sự trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh mà còn có quyền xác minh ĐKTHA của đương sự ngoài địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản hay có điều kiện THA ngoài địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

2. Về thủ tục xác minh ĐKTHA của TPL

Thủ tục xác minh ĐKTHA của TPL được quy định tại Điều 31 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Việc xác minh ĐKTHA được tiến hành bằng văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp xác minh. Khi trực tiếp xác minh ĐKTHA của đương sự, TPL phải lập biên bản[1].

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của TPL và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp[2].

- Trong trường hợp cần thiết, TPL có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.

- Các quy định khác về thủ tục xác minh ĐKTHA thực hiện theo quy định của pháp luật về THA.

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về xác minh ĐKTHA, mục I Thông tư số 03/2009/TT-BTP đã quy định:

- Người được THA có quyền yêu cầu văn phòng TPL xác minh ĐKTHA. Khi yêu cầu thực hiện việc xác minh ĐKTHA, người yêu cầu phải cung cấp bản án, quyết định và các giấy tờ liên quan.

- Trong trường hợp trực tiếp xác minh ĐKTHA, TPL phải lập biên bản theo quy định tại Điều 44 của Luật THADS.

Điều 44 Luật THADS quy định việc xác minh ĐKTHA đối với cả trường hợp chủ động ra quyết định THA và trường hợp ra quyết định THA theo đơn yêu cầu. Tuy nhiên, việc xác minh ĐKTHA của TPL được thực hiện đối với các trường hợp THA theo đơn yêu cầu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì khi thực hiện công việc về THADS, TPL có quyền như CHV quy định tại Điều 20 của Luật THADS, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế THA có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Do đó, trong quá trình xác minh ĐKTHA, TPL có quyền như đối với CHV được quy định tại Điều 44 Luật THADS, trừ các trường hợp thuộc diện chủ động THA, cụ thể như sau:

+ Trường hợp THA theo đơn yêu cầu, nếu người được THA đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện THA của người phải THA thì có thể yêu cầu CHV tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.

+ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được THA, CHV phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.

Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.

Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS đã hướng dẫn cụ thể về việc xác minh ĐKTHA như sau:

+ Người được THA có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh ĐKTHA. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải THA có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được THA hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được THA ủy quyền có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Kết quả xác minh được công nhận và làm căn cứ để tổ chức việc THA, trừ trường hợp CHV thấy cần thiết phải xác minh lại. Việc xác minh lại của CHV được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp.

Trường hợp người được THA, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện THA của người phải THA thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

+ Người được THA khi yêu cầu CHV xác minh ĐKTHA phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải THA nhưng không có kết quả.

Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được THA hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng.

+ Trường hợp người phải THA phải thi hành đồng thời cả khoản nghĩa vụ THA theo đơn yêu cầu và nghĩa vụ THA thuộc diện Thủ trưởng cơ quan THADS chủ động ra quyết định THA thì việc xác minh ĐKTHA của đương sự được CHV chủ động tiến hành cho đến khi người phải THA thi hành xong khoản nghĩa vụ thuộc diện chủ động.

Kết quả xác minh tiếp tục được công nhận để tổ chức thi hành khoản nghĩa vụ theo đơn yêu cầu. Việc xác minh các tài sản tiếp theo của người phải THA được tiến hành theo yêu cầu của người được THA.

+ Khi xác minh trực tiếp, CHV phải xác minh cụ thể điều kiện kinh tế, hiện trạng tài sản, căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khác cung cấp.

Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại các cơ quan có chức năng đăng ký tài sản đó.

Đối với người phải THA là cơ quan, tổ chức, CHV trực tiếp xem xét tài sản, kiểm tra hệ thống sổ sách quản lý vốn, tài sản, xác minh tại các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải THA. Trường hợp cần thiết, CHV có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của CHV và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.

+ Đối với việc xác minh ĐKTHA theo đơn yêu cầu thì việc xác minh được thực hiện theo yêu cầu của người được THA. Người được THA có nghĩa vụ chứng minh việc người phải THA có tài sản để THA và yêu cầu THA trở lại trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan THADS đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu THA.

3. Về sử dụng kết quả xác minh ĐKTHA

Điều 32 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về việc sử dụng kết quả xác minh ĐKTHA của TPL như sau:

- Người được THA có quyền dùng kết quả xác minh ĐKTHA của TPL để yêu cầu THA. Cơ quan THADS, văn phòng TPL có thẩm quyền THA vụ việc căn cứ kết quả xác minh để tổ chức THA.

- Trong trường hợp có căn cứ xác định kết quả xác minh không khách quan, chính xác thì Cơ quan THADS, văn phòng TPL khác có quyền không sử dụng kết quả đó nhưng phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

4. Về thỏa thuận xác minh ĐKTHA

Điều 33 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về thỏa thuận xác minh ĐKTHA như sau:

- Người được THA, người phải THA, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc THA thỏa thuận với Trưởng văn phòng TPL về việc xác minh ĐKTHA. Văn bản thỏa thuận[3] phải có các nội dung chủ yếu sau:

+ Nội dung cần xác minh, trong đó nêu cụ thể yêu cầu xác minh về điều kiện tài sản hay các điều kiện khác của đương sự;

+ Thời gian thực hiện việc xác minh;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;

+ Chi phí xác minh;

+ Các thỏa thuận khác, nếu có.

- Văn phòng TPL phải ghi nhận việc thỏa thuận trên vào sổ theo dõi[4]. (Còn nữa).

Nguyễn Quang Minh


[1] Xem thêm các mẫu quyết định, giấy báo (Phụ lục 3: Mẫu số 23/BB. XM/TPL), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP.

[2] Điều 4 (Nghị định số 61/2009/NĐ-CP). Đảm bảo hiệu lực hoạt động của TPL

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của TPL theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của TPL thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có. 

[3] Xem mẫu hợp đồng thực hiện công việc (Phụ lục 2: Mẫu số 06/HĐDV.XM/TPL), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP.

[4] Xem các sổ theo dõi nghiệp vụ (Phụ lục 1: Mẫu 06/STDXMĐK.TPL), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP.

_____________________________________

Quy định mới về việc lập vi bằng của Thừa phát lại (Phần V)