Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đối tượng áp dụng là cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, hộ gia đình, cơ sở tôn giáo có hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất đai hoặc trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về đất đai. Cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, nếu hành vi đó cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nghị định cũng quy định các hình thức xử phạt: Thứ nhất, hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Thứ hai, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu, tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tước giấy phép chứng chỉ hành nghề, định giá; cấm hành nghề tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định trong Nghị định này.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định mức độ hậu quả của hành vi vi phạm hành chính, được xác định theo nguyên tắc quy đổi giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm thành tiền theo giá đất tại thời điểm xử phạt do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất đó quy định và được chia thành 4 mức: thấp nhất là áp dụng đối với đất nông nghiệp (dưới 30.000.000 đồng) và đất phi nông nghiệp (dưới 150.000.000 đồng); cao nhất là áp dụng đối với đất nông nghiệp (từ 200.000.000 đồng trở lên) và đất phi nông nghiệp (1.000.000.000 đồng trở lên).
Các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt được quy định cụ thể trong Chương II của Nghị định 105. Theo đó, tùy vào hành vi vi phạm, hình thức mà mức xử phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; cao nhất là phạt tiền từ 200.000.000 đến 500.000.000 đồng.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra chuyên ngành về đất đai. Nghị định còn quy định về việc ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính và nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực đất đai.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Linh Tâm