Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là quy định Danh mục hàng nguy hiểm, việc vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện cơ giới đường bộ. Đối với hoạt động vận chuyển các chất phóng xạ, ngoài việc thực hiện Nghị định này còn phải thực hiện theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử. Đối với hoạt động vận chuyển vật liệu công nghiệp bên cạnh việc phải thực hiện quy định của Nghị này thì còn phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp.
Đối tượng áp dụng Nghị định này là tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc phân loại và danh mục hàng nguy hiểm đã được quy định cụ thể tại Chương II của Nghị định 104. Theo đó, tùy theo tính chất hóa, lý mà hàng nguy hiểm được phân thành 9 loại và các bao bì, thùng đựng hàng nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng nguy hiểm cũng được coi là hàng nguy hiểm tương ứng. Danh mục hàng nguy hiểm được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về việc đóng gói và dán hàng nguy hiểm. Việc đóng gói hàng nguy hiểm trong lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo những quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Các loại hàng, nhóm hàng mà chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thì thực hiện theo quy định của các Bộ quản lý ngành. Các Bộ ngành được quy định tại Điều 5 của Nghị định phải có trách nhiệm công bố danh mục hàng nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm như điều kiện người lao động tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm, việc xếp dỡ hàng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và kho lưu bãi, trách nhiệm của người gửi hàng, người vận chuyển, của Ủy ban nhân dân địa phương khi có sự cố trong vận chuyển hàng nguy hiểm.
Một nội dung quan trọng được quy định trong Nghị định là Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm. Tùy từng loại hàng nguy hiểm mà Nghị định 104 quy định thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển. Đó là Bộ Công An, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các Bộ này sẽ quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm. Thời hạn Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cấp theo từng chuyến hàng hoặc từng thời kỳ nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2009 đồng thời bãi bỏ Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ.
Linh Tâm