Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản của Cơ quan THADS và của Tòa án (Phần IV)

10/11/2009
Theo kết quả thống kê cho thấy mỗi năm ngành Toà án thành phố Hồ Chí Minh phải tống đạt khoảng 840.000 văn bản, giấy tờ (42.000 vụ việc x 10 lần tống đạt x 2 người có liên quan cần tống đạt) và mỗi năm chỉ riêng việc tống đạt giấy tờ và xác minh, CHV, cán bộ THADS thành phố Hồ Chí Minh cũng phải xác minh khoảng 50.000 việc và ước khoảng 600.000 văn bản, giấy tờ phải tống đạt[1]. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tòa án nhân dân và cơ quan THADS trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Để góp phần làm giảm bớt áp lực công việc cho các cơ quan nhà nước, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả của công tác xét xử và công tác THADS tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, lần đầu tiên khoản 1 Điều 21 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP đã quy định văn phòng TPL được quyền thỏa thuận để tống đạt các văn bản của Cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan THADS quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh; Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Tòa án nhân dân quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, TPL còn có quyền thực hiện việc tống đạt các văn bản của Tòa án và Cơ quan THADS quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trình tự, thủ tục thực hiện việc tống đạt của TPL được quy định cụ thể như sau:

Một là, về việc việc giao, nhận văn bản tống đạt

Điều 22 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định cơ quan THADS, Tòa án phải lập danh mục các quyết định, giấy tờ cần tống đạt bàn giao cho văn phòng TPL, trong đó nêu rõ thời gian cần thực hiện xong việc tống đạt. Danh mục các quyết định, giấy tờ cần tống đạt phải lập thành 02 bản, khi bàn giao đại diện văn phòng TPL, đại diện của Cơ quan THADS hoặc Tòa án phải ký vào danh mục tài liệu, mỗi bên giữ 01 bản.

Quyết định, giấy tờ cần tống đạt nhận từ Cơ quan THADS hoặc Tòa án phải được vào sổ theo dõi của văn phòng TPL[2].

Hai là, về thủ tục tống đạt

Điều 23 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về việc thực hiện thủ tục tống đạt của TPL như sau:

- Trưởng văn phòng TPL có thể giao thư ký nghiệp vụ TPL thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do chính TPL thực hiện.

- Thủ tục thực hiện việc thông báo về THADS thực hiện theo quy định của pháp luật về THADS. Cụ thể, Điều 39 Luật THADS năm 2008 quy định thông báo về thi hành án như sau:

+ Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.

+ Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

+ Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:

Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; niêm yết công khai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.

Hướng dẫn thực hiện Luật THADS về mặt thủ tục thi hành án dân sự, Điều 7 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ đã quy định:

+ Việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan được thực hiện như sau: Do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo; Do bưu tá; người được cơ quan thi hành án ủy quyền; tổ chức tổ dân phố; trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc; Ủy ban nhân dân, công an cấp xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Giám sát trại giam, trại tạm giam nơi người được thông báo có địa chỉ, cư trú, công tác, chấp hành hình phạt tù giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo.

+ Trường hợp đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự.

+ Đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có thay đổi về địa chỉ liên lạc thì phải kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án biết để thực hiện việc thông báo theo địa chỉ mới. Đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan không thông báo địa chỉ mới thì việc thông báo theo địa chỉ được xác định trước đó được coi là hợp lệ.

- Thủ tục thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng[3].

- Việc tống đạt được coi là hoàn thành nếu đã được thực hiện theo thủ tục quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. TPL phải thông báo kết quả tống đạt, kèm theo các tài liệu chứng minh việc tống đạt hoàn thành cho Cơ quan THADS, Tòa án chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Kết quả tống đạt phải được ghi vào sổ thụ lý quyết định, giấy tờ cần tống đạt.

- Văn phòng TPL phải chịu trách nhiệm trước Tòa án, Cơ quan THADS về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thưởng theo quy định.

Ba là, thỏa thuận về việc tống đạt

Điều 24 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về thỏa thuận việc tống đạt như sau:

- Thỏa thuận tống đạt được ký kết giữa văn phòng TPL với Cơ quan THADS hoặc Tòa án dưới hình thức hợp đồng[4] và có các nội dung chính sau:

+ Văn bản cần tống đạt; công việc cần thông báo;

+ Thời gian thực hiện hợp đồng;

+ Thủ tục việc tống đạt hay thông báo;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;

+ Phí thực hiện tống đạt.

- Một Cơ quan THADS hoặc một Tòa án chỉ được ký hợp đồng với một văn phòng TPL. Một văn phòng TPL có quyền ký hợp đồng tống đạt với nhiều Cơ quan THADS hoặc nhiều Tòa án tại thành phố Hồ Chí Minh quy định tại Điều 21 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. (Còn nữa).

Nguyễn Quang Minh


[1] Xem Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Xem thêm Sổ theo dõi nghiệp vụ (Phụ lục 1: Mẫu 04/STDTĐ.TPL), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Thông tư số 03/2009/TT-BTP).

[3] Xem Chương X quy định về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng từ Điều 146 đến Điều 156 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.