Quy định mới về việc lập vi bằng của Thừa phát lại (Phần V)

13/11/2009
Mặc dù pháp luật về tố tụng dân sự đã quy định khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tuy nhiên, lại chưa có đủ cơ chế hữu hiệu, cụ thể để cá nhân, tổ chức thu thập, xác lập được các chứng cứ bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, để tạo lập bổ sung nguồn chứng cứ bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi bị xâm phạm, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP lần đầu tiên đã quy định TPL được quyền lập vi bằng (VB). VB do TPL lập không những có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án mà còn là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

VB là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. VB do TPL lập sẽ có giá trị sau:

- Giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình về dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính, lao động;

- Hỗ trợ Luật sư những chứng cứ cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của thân chủ;

- Hỗ trợ cơ quan công chứng khi công chứng các giao dịch;

- Giúp cơ quan Tòa án, các cơ quan hành chính nhà nước khác giải quyết các việc liên quan đến người dân được khách quan, chính xác, kịp thời, phù hợp pháp luật[1].

Việc lập VB của TPL được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Một là, thẩm quyền và phạm vi lập VB              

Điều 25 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định TPL có quyền lập VB đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ những việc TPL không được làm theo quy định tại Điều 6 của Nghị định[2], các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

TPL được lập VB các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Hai là, thủ tục lập VB

Điều 26 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về thủ tục lập VB của TPL được thực hiện như sau:

- Việc lập VB phải do chính TPL thực hiện. Thư ký nghiệp vụ TPL có thể giúp TPL thực hiện việc lập VB, nhưng TPL phải chịu trách nhiệm về VB do mình thực hiện.

- VB chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà TPL trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực.

- Trong trường hợp cần thiết TPL có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập VB.

- VB lập thành 03 bản chính: 01 bản giao người yêu cầu; 01 bản gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh để đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập VB; 01 bản lưu trữ tại văn phòng TPL theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ đối với văn bản công chứng.

- Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được VB, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh phải vào sổ đăng ký VB TPL[3].

Ba là, hình thức và nội dung chủ yếu của VB

Điều 27 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định về hình thức và nội dung chủ yếu của VB như sau:

- VB lập thành văn bản viết bằng tiếng Việt và có các nội dung chủ yếu sau:

+ Tên, địa chỉ văn phòng TPL; họ, tên TPL lập VB;

+ Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm lập VB;

+ Người tham gia khác (nếu có);

+ Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập VB và nội dung yêu cầu lập VB;

+ Nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;

+ Lời cam đoan của TPL về tính trung thực và khách quan trong việc lập VB;

+ Chữ ký của TPL lập VB và đóng dấu văn phòng TPL, chữ ký của những người tham gia, chứng kiến (nếu có) và có thể có chữ ký của những người có hành vi bị lập VB.

- Kèm theo VB có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.

Mẫu VB theo quy định tại Phụ lục 2: Mẫu số 02/VB. TPL, ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Thông tư số 03/2009/TT-BTP).

Bốn là, về thỏa thuận việc lập VB[4]

Điều 29 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định thỏa thuận về việc lập VB như sau:

- Cá nhân, tổ chức muốn lập VB phải thỏa thuận với Trưởng văn phòng TPL về việc lập VB với các nội dung chủ yếu sau:

+ Nội dung cần lập VB;

+ Địa điểm, thời gian lập VB;

+ Chi phí lập VB;

+ Các thỏa thuận khác, nếu có.

- Việc thỏa thuận lập VB được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Người yêu cầu phải cung cấp các thông tin và các tài liệu liên quan đến việc lập VB, nếu có.

- Văn phòng TPL phải vào sổ theo dõi việc thỏa thuận lập VB[5]. (Còn nữa).

Nguyễn Quang Minh


[1] Xem khoản 2.3 Mục II Phần II Đề án thực hiện thí điểm chế định TPL tại thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Điều 6 (Nghị định số 61/2009/NĐ-CP). Những việc Thừa phát lại không được làm

1. Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.

2. Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

3. Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

4. Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật. 

[3] Xem thêm Mẫu các sổ theo dõi nghiệp vụ (Phụ lục 1: Mẫu 12/SĐKVB. STP), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP.    

[4] Xem thêm Mẫu hợp đồng thực hiện công việc (Phụ lục 2: Mẫu số 04/HĐDV.VB/TPL), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP.

[5] Xem thêm Mẫu các sổ theo dõi nghiệp vụ (Phụ lục 1: Mẫu 05/STDVB.TPL), ban hành kèm theo Thông tư số 03/2009/TT-BTP.