Luật sư nước ngoài sẽ được phép hành nghề tại Việt Nam

24/07/2006
Ngày 19-7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Luật Luật sư, vừa được QH thông qua tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XI. Luật này quy định về luật sư và hành nghề luật sư.

Ai được hành nghề luật sư?

Theo quy định tại điều 10, bất kể công dân Việt Nam nào trung thành với tổ quốc, tuân thủ hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo được tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghệ luật sư, đều có thể trở thành luật sư.

Như vậy, với quy định này, khái niệm “trình độ tương đương” cử nhân luật được quy định trong Pháp lệnh luật sư hiện nay, sẽ bị huỷ bỏ kể từ ngày 1-1-2007, khi Luật Luật sư chính thức đi vào cuộc sống.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu và đòi hỏi của xã hội đối với các luật sư, lẽ tất yếu, cũng ngày một cao. Việt Nam lại đang trên đường hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực, thì rõ ràng đây là một quy định hết sức cần thiết và kịp thời đối với những ai muốn hành nghề luật sư.

Không dừng lại ở đó, tại điều 11 (điều kiện hành nghề luật sư) còn quy định: Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại điều 10 của luật này, muốn hành nghề luật sư phải có chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một đoàn luật sư.

Chứng chỉ hành nghề luật sư, theo quy định tại điều 17, do Bộ Tư pháp cấp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do vì sao không cấp.

Những người đang là cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc công an, đều là những đối tượng không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

Các đối tượng được đặc cách

Muốn hành nghề luật sư phải hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư và được cơ sở đào tạo (trực thuộc Bộ Tư pháp) cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, điều 13 của Luật Luật sư quy định cho phép các đối tượng sau đây được miễn đào tạo nghề luật sư. Đó là những người:

- Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên

- Giáo sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật

- Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Phạm vi hành nghề của luật sư

Theo quy định của Luật Luật sư, luật sư có quyền hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam; được quyền lựa chọn hình thức hành nghề, hình thức tổ chức hành nghề ( hành nghề với tư cách cá nhân, mở văn phòng luật sư, công ty luật…).

Luật sư cũng có quyền hành nghề ở nước ngoài theo quy định của luật này và pháp luật của nước sở tại.

Luật sư nước ngoài cũng được hành nghề

Luật sư nước ngoài, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau thì được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam (điều 74):

- Có chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

- Tôn trọng hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

- Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó;

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, luật sư nước ngoài, dù được phép hành nghề tại Việt Nam, nhưng Luật Luật sư quy định không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.

Luật này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2007.

 

Tính đến hết tháng 2-2006, cả nước có 3.435 luật sư, trong đó 2.018 luật sư có chứng chỉ hành nghề và 1.417 luật sư đang trong giai đoạn tập sự. Các luật sư đều tốt nghiệp đại học luật và đã qua lớp đào tạo hành nghề luật sư, trong đó có 10 người đã theo học các khoá đào tạo hành nghề luật sư ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn hai tỉnh là Điện Biên và Lai Châu vẫn chưa thành lập được Đoàn luật sư.

(Nguồn: Bộ Tư pháp)

 

(Theo Nhân dân)