Giấy hồng mới: chỉ cấp khi người dân có nhu cầu
Luật nhà ở ra đời đã chấm dứt sự nhùng nhằng giữa chuyện “một giấy, hai giấy” trước đây. Luật này qui định: sẽ thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận (GCN) cho nhà ở, đất ở. Điều 9 qui định: chỉ cấp giấy hồng khi chủ sở hữu có nhu cầu.
Ông Vũ Văn Phấn - cục phó Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng - cho biết: “Khi người dân tạo lập nhà ở hợp pháp thì đương nhiên họ đã có quyền sở hữu đối với nhà ở của mình rồi. Còn việc cấp GCN chỉ là vấn đề thủ tục cho nên nếu có nhu cầu thì chủ sở hữu có thể yêu cầu cấp giấy, không thì thôi. Không có GCN thì nhà đó vẫn là của họ”.
Theo ông Phấn, hồ sơ xin cấp giấy hồng cũng rất đơn giản, chỉ gồm ba loại giấy tờ: đơn đề nghị cấp GCN, giấy tờ chứng minh việc tạo lập nhà ở của chủ sở hữu và sơ đồ nhà ở, đất ở. Điều kiện về sơ đồ nhà ở cũng được mở ra so với trước: nếu trong các giấy tờ cũ đã có thể hiện sơ đồ nhà, đất thì người dân không phải đo vẽ lại. Đặc biệt, thời gian chờ đợi để cấp giấy được rút ngắn chỉ còn 30 ngày (trước đây cấp giấy hồng phải chờ 60 ngày, cấp giấy đỏ 45 ngày).
Về mẫu GCN mới, Luật nhà ở qui định sẽ cấp hai loại giấy: GCN quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở và loại giấy chỉ chứng nhận quyền sở hữu nhà (trong trường hợp nhà, đất là hai chủ khác nhau). Mẫu giấy cũng tương tự giấy hồng trước đây đã cấp theo nghị định 60/CP nhưng không có trang ghi nhận về thay đổi chủ sở hữu mà khi đổi chủ, chủ mới sẽ được cấp GCN mới. Cơ quan cấp giấy sẽ thu hồi GCN của chủ cũ để lưu giữ thay vì cập nhật trên GCN như trước đây.
Giấy cũ: vẫn có thể giao dịch
Điều 152 Luật nhà ở cũng qui định rõ: tất cả các GCN quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước đây (bao gồm các loại giấy đỏ cấp theo Luật đất đai 1993, Luật đất đai 2003, giấy hồng theo nghị định 60/CP, nghị định 95CP) và các loại giấy tờ nhà đất hợp lệ khác vẫn có giá trị sử dụng. Theo ông Đỗ Phi Hùng, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, chủ sở hữu vẫn có thể sử dụng các loại giấy tờ này để giao dịch như mua bán, tặng cho, thừa kế... Chỉ khi nào chủ mới đi đăng ký sở hữu thì sẽ được cấp giấy mới.
Vấn đề khúc mắc ở chỗ theo Luật đất đai thì các loại giấy tờ hợp lệ (không kể hai giấy đỏ, giấy hồng) chỉ có giá trị lưu hành đến hết năm 2006, kể từ 1-1-2007 những loại giấy tờ này không còn được đem ra giao dịch. Như vậy sẽ phải thực hiện theo luật nào? Ông Vũ Văn Phấn nói: sẽ thi hành theo Luật nhà ở. Bởi theo điều 3 Luật nhà ở có qui định: nếu có sự khác nhau giữa Luật nhà ở với các văn bản pháp luật có liên quan thì áp dụng qui định của Luật nhà ở.
Như vậy, trong thời gian tới sẽ tồn tại rất nhiều dạng giấy tờ về nhà đất. Về giấy hồng: sẽ có tới bốn loại giấy hồng: hai loại giấy hồng mới (một giấy cho nhà và đất, một giấy chỉ chứng nhận sở hữu nhà) theo Luật nhà ở, giấy hồng cũ (theo nghị định 60/CP), giấy hồng chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng (theo nghị định 95/CP).
Về giấy đỏ cũng có tới hai loại giấy đỏ: GCN quyền sử dụng đất cấp theo Luật đất đai 1993, GCN quyền sử dụng đất ở có ghi nhận về nhà ở, công trình trên đất cấp theo Luật đất đai 2003. Ngoài ra, còn rất nhiều loại giấy tờ hợp lệ khác như bằng khoán, các loại “giấy trắng”... cùng tồn tại và được phép giao dịch.
Theo Bộ Xây dựng, bộ đã trình Chính phủ bản dự thảo nghị định để hướng dẫn Luật nhà ở, chỉ chờ Chính phủ ký ban hành. Ngay khi có nghị định, bộ cũng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn để nhanh chóng triển khai Luật nhà ở.
Về việc triển khai cấp GCN nhà, đất của TP.HCM, ông Đỗ Phi Hùng cho biết: Từ 1-7, mặc dù Luật nhà ở đã có hiệu lực thi hành nhưng do chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cho nên TP vẫn chưa thể triển khai cấp GCN cho người dân. Trong khi chờ đợi, tại các quận huyện hiện vẫn đang tiến hành cấp giấy đỏ cho người dân có nhu cầu.
Luật nhà ở cũng qui định rõ ngoài các giấy tờ như luật qui định thì cơ quan cấp giấy không được quyền đòi hỏi người dân phải cung cấp thêm bất cứ loại giấy tờ nào khác. Hiện nay, ngoài các giấy tờ qui định, người dân còn phải xuất trình bổ sung nhiều loại giấy về nhân thân như: giấy xác nhận tình trạng độc thân, chứng nhận đăng ký kết hôn, xác nhận chưa tái giá từ khi ly hôn...
Chấm dứt chuyện "đòi hộ khẩu" Điều 9 Luật nhà ở qui định: mọi tổ chức, cá nhân trong nước không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ khẩu thường trú ở đâu đều được quyền sở hữu nhà ở theo qui định. Ông Vũ Văn Phấn - cục phó Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng - khẳng định: - Có thể nói đây là một qui định rất thoáng của Luật nhà ở. Qui định này sẽ chấm dứt các phiền toái, bức xúc của người dân từ trước đến nay khi xin cấp GCN nhà đất: muốn được cấp GCN nhà thì cơ quan cấp giấy đòi phải xuất trình hộ khẩu, còn muốn đăng ký hộ khẩu thường trú thì công an lại hỏi giấy tờ nhà. Nhiều chủ nhà không đủ điều kiện hộ khẩu đã không được cấp GCN. Đòi hỏi trên đây của các cơ quan chức năng rất vô lý và vi phạm hiến pháp: công dân có quyền tự do cư trú. * Luật đất đai 2003 cũng không qui định người sử dụng đất phải có hộ khẩu tại địa phương nơi có đất nhưng thực tế nhiều nơi vẫn đòi hộ khẩu. Lần này liệu có khả thi? - Vấn đề này đã được qui định rõ trong luật nên theo tôi phải được thi hành nghiêm túc. Các cơ quan chức năng không có quyền đòi hỏi người dân phải xuất trình hộ khẩu thường trú thì mới được cấp giấy. Việc người dân thường trú ở đâu là quyền của họ, họ thường trú nơi nào thì có thể khai rõ trong đơn đề nghị cấp giấy, thế là đủ. |
(Theo Tuổi trẻ)