Ngày 13-6, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường đã ký ban hành hai thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết trình tự thực hiện các quyền của người sử dụng đất (SDĐ) gồm:
Thông tư số 03/2006/TTLT-BTPNBTNMT về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/BTP-BTNMT ngày 16-6-2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên- Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất và Thông tư số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người SDĐ.
Loại hợp đồng, Văn bản nào phải công chứng?
1. Các hợp đồng, văn bản bắt buộc phải công chứng, chứng thực:
- Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho thuê, thuê lại QSDĐ; hợp đồng thế chấp bằng QSDĐ (gồm hợp đồng thế chấp bằng QSDĐ của bên có nghĩa vụ hoặc hợp đồng thế chấp bằng QSDĐ của người thứ ba) hợp đồng góp vốn bằng QSDĐ;
- Hợp đồng, văn bản về QSDĐ và tài sản gắn liền với đất; hợp đồng, văn bản về QSDĐ và tài sản hình thành trong tương lai mà tài sản đó gắn liền với đất.
2. Các hợp đồng, văn bản công chứng, chứng thực theo yêu cầu của người SDĐ, chủ sở hữu tài sản:
- Di chúc để thừa kế, văn bản phân chia thừa kế, văn bản nhận thừa kế trong trường hợp người nhận thừa kế là người duy nhất có QSDĐ, tài sản gắn liền với đất.
- Hợp đồng mua bán, thuê, tặng cho tài sản gắn liền với đất; hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất; hợp đồng thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai; di chúc để thừa kế tài sản gắn liền với đất, văn bản phân chia thừa kế tài sản gắn liền với đất; văn bản nhận thừa kế tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người nhận thừa kế là người duy nhất.
Thẩm quyền công chứng, chứng thực
- QSDĐ của gia đình, cá nhân thì được lựa chọn công chứng tại Phòng Công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản, trường hợp khác thì công chứng tại Phòng Công chứng.
- Đối với những huyện chưa có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì UBND huyện thực hiện chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của hộ gia đình, cá nhân có bất động sản.
- Đối với những huyện đảo thì UBND huyện thực hiện chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài có bất động sản.
Thời hạn công chứng: một ngày
Thời hạn ngắn nhất làm các thủ tục là trong một ngày, dài nhất là 10 ngày nếu đã có giấy chứng nhận QSDĐ.
Thời hạn công chứng hợp đồng, văn bản thực hiện ngay trong ngày làm việc; trường hợp hợp đồng, văn bản có tình tiết phức tạp thì không quá ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; không quá năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người có bất động sản là tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài; trường hợp hợp đồng thế chấp thì không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Việc chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người có bất động sản được thực hiện trong ngày làm việc; trường hợp hợp đồng, văn bản có tình tiết phức tạp thì thời hạn chứng thực không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
(Theo Pháp luật Việt nam)