Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 30-12-1981, được sửa đổi, bổ sung hai lần; lần thứ nhất năm 1991, lần thứ hai năm 1994.
Sau nhiều năm thực hiện, Luật Nghĩa vụ quân sự đã đi vào cuộc sống thật sự phát huy tác dụng, là cơ sở pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho công dân làm tròn nghĩa vụ quân sự; đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng quân đội và tăng cường quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, so với sự phát triển về mọi mặt của đất nước và những yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Nghĩa vụ quân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập chưa theo kịp tình hình, như độ tuổi gọi nhập ngũ dài, có số lượng lớn, thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ còn dài nên không luân chuyển được nhiều thanh niên nhập ngũ.
Ðể khắc phục những nhược điểm, bất cập trong hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng; kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ đã được đề ra trong các nghị quyết của Ðảng, nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự. Và lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số nội dung bức thiết, không còn phù hợp với sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; tạo cơ sở pháp lý, khắc phục những khó khăn vướng mắc, nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội nhân dân, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự vẫn giữ nguyên cơ cấu các chương, điều của luật hiện hành; chỉ sửa đổi, bổ sung 10 điều về nội dung (Ðiều 12, 14, 16, 22, 24, 29, 37, 39, 43, 52) và sửa đổi, bổ sung về từ ngữ trong một số điều cho phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trong 10 điều sửa đổi, bổ sung về nội dung vấn đề cốt lõi nhất là giảm độ tuổi gọi nhập ngũ (quy định tại Ðiều 12) và giảm thời hạn phục vụ tại ngũ (quy định tại Ðiều 14) để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Theo đó, Ðiều 12 được sửa đổi là: "Công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi". Như vậy, độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình giảm xuống hai tuổi so với trước. Ðiều 14 được sửa đổi là: "Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, thay vì quy định trước đây là hai năm".
(Theo Nhân dân)