Tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước

17/01/2007
Ngày 16/01, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định số 09/2006/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2003/NĐ-CP (ngày 10/10/2003) của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước.

Theo Nghị định, ưu tiên trong thi, xét tuyển là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (cộng 30 điểm vào tổng kết quả thi tuyển). Con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa... (cộng 20 điểm vào tổng kết quả thi tuyển). Cán bộ, công chức cấp xã nếu có thời gian làm việc liên tục tại các cơ quan, tổ chức cấp xã từ 36 tháng trở lên được cộng 10 điểm vào tổng kết quả thi tuyển. Hội đồng tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức ra quyết định thành lập gồm 5 đến 7 thành viên, trong đó có Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên Hội đồng. Hội đồng tuyển dụng làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, chỉ đạo và tổ chức chấm thi theo đúng quy chế.

Trong thời gian tập sự, người tập sự ở các ngạch thuộc công chức loại C được hưởng 85% bậc lương khởi điểm của ngạch tuyển dụng. Các trường hợp còn lại khi được tuyển dụng vào công chức thì không phải tập sự và căn cứ vào diễn biến mức lương đang hưởng ở cơ quan cũ để xếp lương theo quy định và hướng dẫn của Nhà nước. Khi công chức dự thi nâng ngạch phải đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch dự thi, đạt bậc lương tối thiểu chênh lệch không quá tương đương hai bậc lương so với bậc 1 của ngạch đăng ký dự thi.

Bộ Nội vụ có nhiệm vụ trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ các chức danh và tiêu chuẩn ngạch công chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương các tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương đến cấp Thứ trưởng và tương đương; tiêu chuẩn các chức vụ lãnh đạo từ cấp phòng, ban hoặc tương đương thuộc UBND cấp huyện và tương đương đến cấp sở ban, ngành thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương.

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 08/2007/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị. Theo Nghị định thì thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị loại A là 12 tháng, loại B là 6 tháng. Khi hoàn thành chế độ công chức dự bị theo quy định, công chức dự bị phải làm bản báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ gửi người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức dự bị. Khi được tuyển dụng chính thức, công chức dự bị  được bổ nhiệm vào ngạch đăng ký tuyển dụng và được hưởng 100% tiền lương của bậc hiện hưởng. Thời điểm này bắt đầu được tính để xét nâng lương cho công chức theo quy định của pháp luật.

Được biết, công chức loại A là người được bổ nhiệm vào ngạch yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn giáo dục đại học và sau đại học; Công chức loại B là người được bổ nhiệm vào ngạch yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn giáo dục nghề nghiệp; Công chức loại C là người được bổ nhiệm vào ngạch yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn dưới giáo dục nghề nghiệp.

 

(Theo website Chính phủ)