Thông tư số 03/2013/TT-BTP hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

05/02/2013
Ngày 31 tháng 01 năm 2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2013/TT-BTP hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính (Thông tư số 03).

Thông tư số 03 được ban hành nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính đã được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thông tư số 03 gồm số 07 Chương, 33 Điều, tập trung chủ yếu vào những nội dung sau đây:

1. Quy định về thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường

Thông tư số 03 quy định thẩm quyền của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường, cụ thể như sau:

- Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ) xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan thuộc phạm vi mình quản lý. Tổ chức pháp chế (đối với các Bộ), Cục Bồi thường nhà nước (đối với Bộ Tư pháp) tham mưu, giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

- Trường hợp không có sự thống nhất giữa các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc thuộc Bộ thì tổ chức Pháp chế thuộc cơ quan đó tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Bên cạnh đó, Thông tư 03 còn quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp với vai trò giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính. Theo đó, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp:

- Giữa các Bộ;

- Giữa các UBND cấp tỉnh;

- Giữa các Bộ và UBND cấp tỉnh

Cục Bồi thường nhà nước tham mưu, giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ xác định định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp trên.

2. Quy định về hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường

Thông tư số 03 đã quy định cụ thể thẩm quyền của Tổ chức pháp chế (đối với các Bộ), Cục Bồi thường nhà nước (đối với Bộ Tư pháp) tham mưu, giúp Bộ thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường đối với cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi do mình quản lý.

Đối với các cơ quan thuộc Bộ được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương, Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ ở trung ương hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường đối với cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi do mình quản lý. Tổ chức pháp chế cơ quan thuộc Bộ tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường.

3. Quy định về giải đáp vướng mắc pháp luật, cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục.

Nghị định số 16/2010/NĐ-CP giao nhiệm vụ giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho Bộ Tư pháp. Vì vậy, Thông tư số 03 đã quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giải đáp vướng mắc pháp luật về việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và giao cho Cục Bồi thường nhà nước tham mưu, giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này.

Thông tư số 03 cũng quy định trách nhiệm của Cục Bồi thường nhà nước Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

4. Quy định về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường

Để nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường,  Thông tư số 03 đã quy định trách nhiệm của Cục Bồi thường nhà nước (đối với Bộ Tư pháp); Tổ chức pháp chế (đối với các Bộ); Sở Tư pháp (đối với UBND cấp tỉnh) và Phòng Tư pháp (đối với UBND cấp huyện) trong việc theo dõi, đôn đốc hoạt động giải quyết bồi thường, đồng thời, Thông tư số 03 cũng quy định trách nhiệm của Cục Bồi thường nhà nước Bộ Tư pháp; Tổ chức Pháp chế của các Bộ, ngành; Sở Tư pháp thuộc UBND các tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trong việc tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường thuộc phạm vi do Bộ quản lý.

5. Quy định về thống kê, tổng hợp, báo cáo về công tác bồi thường

Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, định kỳ 6 tháng và hàng năm Bộ Tư pháp có trách nhiệm thống kê, đánh giá việc giải quyết bồi thường trong phạm vi cả nước báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về công tác bồi thường. Vì vậy, để có số liệu về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính thì Thông tư số 03 đã quy định cụ thể về các loại báo cáo, thời hạn chốt số liệu, thời hạn báo cáo và trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện báo cáo về bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính.

Việc ban hành Thông tư số 03 với những nội dung cơ bản nêu trên góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính nói riêng và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong các lĩnh vực nói chung.

Thông tư số 03/2013/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15/3/2013.

Trần Minh Trọng - Cục BTNN