Quy định mới về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

16/01/2013
Ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Quy chế quy định về nội dung hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.

Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu phải bảo đảm nguyên tắc như tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó, ưu tiên cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường….

Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp là cơ sở, khu vực và cấp quốc gia.

Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng tràn dầu ở 3 mức độ từ nhỏ, trung bình đến lớn. Sự cố mức nhỏ là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 tấn. Sự cố mức trung bình là sự cố có lượng dầu tràn từ 20 đến 500 tấn. Sự cố mức lớn là sự cố có lượng dầu tràn lớn hơn 500 tấn.

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nguy cơ xẩy ra sự cố tràn dầu từ mức trung bình trở lên phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thẩm định, phê duyệt. Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Ngoài ra, Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm lập Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu, cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các tàu chở dầu có tổng dung tích từ 150 tấn trở lên và các loại tàu khác có tổng dung tích từ 400 tấn trở lên, tàu chở dầu Việt Nam có tổng dung tích từ 150 tấn đăng ký trở lên…

Về đầu mối tiếp nhận thông tin, theo quy định tại Quy chế thì các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo đến đầu mối liên lạch quốc gia về sự cố tràn dầu trên biển; Cảng vụ gần nhất; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực; Trung tâm phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực; Các đài thông tin duyên hải Việt Nam để chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó hoặc cơ quan cứu hộ, cứu nạn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Chính quyền địa phương nơi gần nhất; Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Ngoài các đầu mối này, khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện ra sự cố thì có thể thông tin đến các đài thông tin duyên hải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý hoặc chuyển tiếp thông tin về cơ quan chủ trì ứng phó.

Về ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở, Quy chế quy định về ứng phó trên biển, ứng phó tại cơ sở, dự án, tại khu vực cảng. Đồng thời, Quy chế cũng quy định cụ thể về ứng phó tràn dầu cấp khu vực và cấp quốc gia.

Về khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, Quy chế quy định về điều tra, xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu; giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2013 và thay thế Quyết định số 203/2005/QĐ-TTg ngày 12/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.