Theo Nghị định này, công chứng viên phải hành nghề chuyên trách; không được đồng thời hành nghề khác, không được kiêm nhiệm các chức danh tư pháp như luật sư, đấu giá viên, trọng tài viên, thừa phát lại hoặc các chức danh tư pháp khác.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng có nhu cầu được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề tại Văn phòng công chứng thì trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên phải kèm theo giấy tờ chứng minh đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng.
Luật sư được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng thì khi làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng hoặc bổ sung thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng hoặc ký hợp đồng làm việc với Văn phòng công chứng phải có xác nhận của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc đã rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và giấy tờ chứng mình đã chấm dứt hành nghề luật sư.
Cũng theo Nghị định này việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng; khuyến khích thành lập các Văn phòng công chứng. Chỉ thành lập Phòng công chứng trong trường hợp không phát triển được Văn phòng công chứng; Văn phòng công chứng phải có trụ sở riêng với địa chỉ cụ thể rõ ràng, có phòng làm việc cho công chứng viên, nhân viên, phòng tiếp người yêu cầu công chứng và kho lưu trữ hồ sơ công chứng.
Phòng công chứng và Văn phòng công chứng sử dụng con dấu theo mẫu quy định và không có quốc huy. Việc tạm dừng hoạt động của của Văn phòng công chứng khi: Công chứng viên duy nhất hoặc tất cả các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng hoặc các trường hợp khác không có đủ điều kiện hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2013./.
Tô Hoàng