Cho lập Văn phòng giám định tư pháp
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật Giám định tư pháp là cho phép thành lập các Văn phòng Giám định tư pháp. Theo đó, Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Cũng theo luật, Giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ các điều kiện: Có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng; Có Đề án thành lập theo quy định. Luật cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Quy định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp bên cạnh các tổ chức giám định công lập là một bước đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn khi xem xét, quyết định trưng cầu giám định trong điều kiện còn thiếu giám định viên, thiếu tổ chức để trưng cầu giám định.
Thực hiện “ngày pháp luật”
Theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Cũng theo quy định của Luật, Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 4 Chương, 41 Điều, trong đó quy định về nhiều vấn đề quan trọng khác như nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, trách nhiệm phổ biến, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các điều kiện bảo đảm cho công tác này....
Rõ danh mục hàng hóa bình ổn giá
Luật Giá tập trung vào các quy định về danh mục hàng bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với các hình thức định giá. Cụ thể, danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước thực hiện bình ổn giá gồm: Xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Việc bình ổn giá được thực hiện khi giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục quy định có biến động bất thường hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội
T.Hằng