Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL và quản lý nhà nước về chất lượng vụ việc TGPL. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện Bộ Tiêu chuẩn đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải được hướng dẫn, sửa đổi cho phù hợp.
Về cơ bản, Thông tư tiếp tục kế thừa những quy định phù hợp và khắc phục những quy định còn bất cập của Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP, theo hướng: lượng hóa tối đa các tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc; loại bỏ những tiêu chí định tính, không khả thi; bỏ hình thức tự đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; phân định rõ cơ chế, thẩm quyền đánh giá chất lượng vụ việc của Cục TGPL, Sở Tư pháp. Thông tư gồm 03 Điều, Điều 1: Quy định về việc ban hành Bộ Tiêu chuẩn; Điều 2: quy định về hiệu lực thi hành và văn bản bị thay thế; Điều 3: Quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Cơ cấu Bộ Tiêu chuẩn gồm 04 Chương, 38 Điều, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5): quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, vụ việc TGPL có chất lượng, trách nhiệm bảo đảm và giám sát về chất lượng vụ việc và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
Chương II. Các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc TGPL (từ Điều 6 đến Điều 18) với 02 mục:
Mục 1. Các tiêu chuẩn chung (từ Điều 6 đến Điều 12): quy định về các tiêu chuẩn: tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận, trình bày và cung cấp thông tin về vụ việc TGPL; toàn diện và kịp thời; phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội; đáp ứng trình tự, thủ tục thực hiện TGPL; sự hài lòng của người được TGPL và lập hồ sơ vụ việc TGPL.
Mục 2. Các tiêu chuẩn theo hình thức TGPL (từ Điều 13 đến Điều 18): quy định về tiêu chuẩn chất lượng vụ việc tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng hình sự, tham gia tố tụng dân sự, tham gia tố tụng hành chính, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại.
Chương III. Đánh giá và xếp loại chất lượng vụ việc TGPL (từ Điều 19 đến Điều 32) quy định cụ thể về: đối tượng; mục tiêu đánh giá; nguyên tắc đánh giá; nội dung đánh giá; phương pháp đánh giá; hình thức đánh giá; đánh giá chất lượng vụ việc của tổ chức thực hiện TGPL; đánh giá chất lượng vụ việc của Sở Tư pháp; đánh giá chất lượng vụ việc của Cục TGPL; trách nhiệm, quyền hạn của người được phân công đánh giá và Đoàn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; xếp loại chất lượng vụ việc TGPL; báo cáo kết quả đánh giá; kết luận đánh giá; xử lý vụ việc TGPL không đạt chất lượng; xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình đánh giá.
Chương IV. Tổ chức thực hiện (từ Điều 33 đến Điều 38), quy định cụ thể về trách nhiệm của Cục trưởng Cục TGPL; của Giám đốc Sở Tư pháp; của tổ chức thực hiện TGPL, tổ chức tham gia TGPL; trách nhiệm của tổ chức chủ quản của tổ chức hành nghề Luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia TGPL; trách nhiệm của người thực hiện TGPL; sửa đổi, bổ sung, thay thế Bộ Tiêu chuẩn.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2013.