Nghị định này gồm 5 Chương, 50 Điều quy định về việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả và tạo nguồn vốn bảo trì và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
1. Về quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ
Theo quy định của Nghị định thì nội dung quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ bao gồm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ, định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ, chế độ bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ, chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ; quản lý nguồn tài chính phát sinh; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Trách nhiệm quản lý nhà nước chủ yếu là thuộc Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân các cấp.
2. Về quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ
Hồ sơ tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của Nghị định gồm: (i) Hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản hạ tầng đường bộ; (ii) Báo cáo kê khai; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ; cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ chịu trách nhiệm lập hồ sơ.
Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ. Riêng đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì lưu trữ Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ và Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý. Bộ Giao thông vận tải quản lý, lưu trữ Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ; Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ và Quản lý, vận hình cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản hạ tầng đường bộ trong phạm vi cả nước.
Nghị định cũng quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhận biết tài sản hạ tầng đường bộ để ghi sổ hạch toán. Theo đó, tài sản hạ tầng đường bộ đủ tiêu chuẩn để ghi sổ hạch toán là những tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chí: (i) Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên; (ii) Có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên. Tài sản hạ tầng đường bộ ghi sổ hạch toán gồm: Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường; cầu đường bộ dài từ 25m trở lên và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ; hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ; bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; trạm kiểm tra tải trọng xe; trạm thu phí đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; nhà hạt quản lý đường bộ; trạm dừng nghỉ.
Nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ được xác định theo các nguyên tắc:
- Đối với tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện quyết toán từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ để ghi sổ hạch toán là giá trị quyết toán dự án hoàn thành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Đối với tài sản hạ tầng đường bộ đã thực hiện quyết toán trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nguyên giá để ghi sổ hạch toán là giá trị được xác định theo bảng giá của tài sản hạ tầng đường bộ có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương;
- Trường hợp tài sản hạ tầng đường bộ chưa hoặc không xác định được trong bảng giá thì sử dụng giá tính tạm thời do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp quy định để ghi sổ.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ có thể giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì hoặc nhà thầu thi công xây dựng; quản lý, sử dụng đất gắn liền với tài sản hạ tầng đường bộ…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2013.