Nghị định gồm 5 Chương, 29 Điều quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người về cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; tổ chức, hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân.
1. Về cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân
Theo quy định của Nghị định, để thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì cần đáp ứng 04 điều kiện: (i) Có trụ sở làm việc ổn định, thuận tiện giao thông; (ii) Diện tích đất tự nhiên tối thiểu 15m2/nạn nhân; diện tích phòng ở bình quân 5m2/nạn nhân; (iii) Có trang thiết bị, phương tiện phù hợp với nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân; (iv) Có ít nhất 05 nhân viên, trong đó có 02 nhân viên có trình độ từ cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành công tác xã hội.
Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi cơ sở hỗ trợ nạn nhân dự kiến đặt trụ sở.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập bao gồm: (i) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép thành lập; (ii) Đề án thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; (iii) Lý lịch cá nhân của người dự kiến đứng đầu cơ sở hỗ trợ nạn nhân; (iv) Các giấy tờ khác có liên quan chứng minh đủ các điều kiện thành lập.
Nghị định cũng quy định rõ các trường hợp không được cấp Giấy phép thành lập là: (i) Tổ chức, cá nhân nước ngoài; (ii) Tổ chức, cá nhân Việt Nam không đáp ứng đủ các điều kiện thành lập theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này hoặc việc thành lập cơ sở gây phương hại đến an ninh quốc gia hoặc lợi dụng việc thành lập cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc hồ sơ không hợp lệ.
2. Về tổ chức hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thành lập, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải kinh phí, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân có quyền hạn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân; quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho nạn nhân; được tuyển dụng lao động làm việc tại cơ sở và được huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.
Bên cạnh các quyền hạn đó, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm hoạt động theo đúng nội dung, phạm vi ghi trong Giấy phép thành lập; thông báo hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân; báo cáo định kỳ về kết quả hoạt động của cơ sở với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
3. Về chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ với nạn nhân
Chế độ hỗ trợ cho nạn nhân gồm chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; hỗ trợ vay vốn.
Đáng lưu ý là theo quy định của Nghị định này thì nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại Điều 24 và 25 Luật Phòng, chống mua bán người; người chưa thành niên đi cùng nạn nhân được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân (tối đa không quá 60 ngày); hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết (02 bộ quần áo dài, 02 bộ quần áo lót, khăn mặt, dép nhựa, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng…). Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn.
Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013.