Kiến nghị bỏ quy định mỗi người chỉ đăng ký một xe máy

29/08/2005
Kiến nghị bỏ quy định mỗi người chỉ đăng ký một xe máy
Ngày 27/8, bên lề phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết đã đề xuất với Chính phủ tới đây phải sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định việc mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe gắn máy, bởi nó trái với hiến pháp và luật. Ông Lưu đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Giúp Thủ tướng kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật của các bộ, với quy định trái hiến pháp rằng mỗi người chỉ được đăng ký một xe môtô hoặc xe gắn máy, Bộ Tư pháp có ý kiến thế nào?

Thông tư 02 ngày 13/1/2003 của Bộ Công an về hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đã quy định: "...Mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe môtô hoặc xe gắn máy". Quy định này đã hạn chế quyền sở hữu của công dân, được quy định tại điều 58 Hiến pháp năm 1992, vi phạm khoản 1, điều 221 của Bộ luật hình sự là công dân có quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

- Nếu nói đến tính pháp chế thì đúng là quy định đó chưa phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và một số nghị định của Chính phủ đã ban hành về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhưng có một số văn bản xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, của địa phương, cho rằng trong tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông rất nghiêm trọng, không quản lý để lập lại trật tự thì sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm.

Việc này chúng tôi đã có ý kiến đề xuất với Chính phủ, tới đây phải có biện pháp xử lý.

- Xin ông nói rõ hình thức xử lý?

- Bây giờ văn bản không phù hợp với văn bản Nhà nước cấp trên thì phải đình chỉ, đề nghị cơ quan ban hành phải sửa đổi hoặc bãi bỏ. Nếu họ không bãi bỏ thì sẽ đề nghị Thủ tướng bãi bỏ. Vừa rồi, Bộ Tài chính, Tư pháp và các bộ ngành đã phối hợp để rà soát một loạt văn bản của địa phương ban hành nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nhưng lại trái với văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, ví dụ miễn thuế, trích thưởng. Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Chính phủ tới đây phải dừng lại những chuyện như vậy.

- Với những văn bản trái pháp luật đó thì ai có quyền đình chỉ?

- Trước hết Bộ trưởng của bộ ban hành văn bản đó phải có quyền đình chỉ. Thứ hai là Thủ tướng, các cơ quan của Quốc hội. Ở địa phương, chỉ có UBND, HĐND cấp tỉnh mới có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những văn bản trái luật của địa phương thì sẽ do UBND, HĐND hủy bỏ. Trường hợp UBND không hủy bỏ thì Thủ tướng sẽ hủy.

- Trong việc xử lý văn bản trái pháp luật, trách nhiệm của Bộ Tư pháp như thế nào?

- Nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện sai phạm ở các bộ, chúng tôi sẽ kiến nghị các bộ. Nếu họ tự kiểm tra, sửa đổi thì rất đáng hoan nghênh. Nếu không sửa thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ theo tinh thần của nghị định 135 ban hành năm 2003 về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

- Theo ông, làm thế nào để giải quyết tình trạng các nghị định, chỉ thị trái với luật, pháp lệnh và nghị quyết?

- Đây là căn bệnh xảy ra tương đối lâu rồi và cho đến bây giờ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Để giải quyết thì phải tăng cường trách nhiệm, kỷ cương trong quản lý nhà nước và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết là các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND, tăng cường công tác kiểm tra của Chính phủ, giám sát của Quốc hội.

Như Trang ghi (Tin từ VnExpress)