Dự án Luật tiếp cận thông tin: Chú trọng điều kiện khả thi cho quyền không bị “treo”

15/11/2015
Mức độ khả thi của Dự án Luật  Tiếp cận thông tin (TCTT) liên quan đến những thông tin được tiếp cận và trách nhiệm cung cấp thông tin là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm nhất trong buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật này chiều 14/11 để đảm bảo thể chế hóa đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền tự do thông tin của người dân.
 

Không để “xin-cho” trong tiếp cận thông tin

Từ thực tế quyền TCTT của người dân vẫn còn hạn chế như trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đã đề cập, nhiều ĐBQH tin tưởng, dự án Luật “sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người dân thực hiện quyền của mình theo Hiến pháp”. Tuy nhiên, ĐBQH lưu ý, các quy định của dự thảo Luật cần chú trọng đến điều kiện đảm bảo cho quyền này được thực thi, trong đó quan trọng là không tạo “kẽ hở” khiến người có quyền TCTT (cá nhân, tổ chức) phải “xin” người có nghĩa vụ (cơ quan nhà nước) để được thực hiện một trong các quyền hiến định này.

Muốn vậy, theo ĐBQH, dự thảo luật cần quy định cụ thể những loại thông tin được tự do tiếp cận, những loại thông tin hạn chế và những loại thông tin “mật” như các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia…để người dân biết. Như vậy, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin không thể lạm dụng sự “mù mờ” của quy định để “né” trách nhiệm cung cấp thông tin. Và khi có việc vi phạm về trách nhiệm này cũng có cơ sở để xử lý. Đồng thời, người có TCTT cũng không lạm dụng quyền của mình để đưa ra các yêu cầu không phù hợp, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, ĐBQH cũng kiến nghị xem xét đưa một số tài liệu xuất phát những loại hình hoạt động công khai như tài liệu kiểm toán, thanh tra, thông tin tài liệu hồ sơ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vào diện thông tin được tự do tiếp cận vì “đây cũng là các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến quyền lợi hợp pháp của công dân” – ĐB Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh. 

Hiện dự thảo Luật đang “loại trừ” các tài liệu này theo hướng “quy định dẫn chiếu” trong khi các văn bản  liên quan lại không quy định về việc công khai các tài liệu đó. ĐBQH dự báo, như vậy là tạo “khoảng trống” về quyền tiếp cận một số tài liệu trong thực tiễn vì “không luật nào chịu điều chỉnh”.

Xem xét để không “lọt” chủ thể được TCTT

Theo dự thảo luật, mọi công dân có quyền TCTT, trừ những trường hợp bị hạn chế thực hiện quyền TCTT như người dưới 18 tuổi, người có khó khăn trong nhận thức, người mất năng năng lực hành vi dân sự; người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh trước mắt chỉ nên quy định công dân có quyền yêu cầu TCTT mà chưa phải là tổ chức xã hội thay mặt công dân có quyền yêu cầu. Đồng thời, cần bổ sung những quy định về việc chủ động cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong những trường hợp có thông tin không đúng, thậm chí phản động về cơ quan, tổ chức, cá nhân đó

Cơ bản tán thành với những quy định của dự thảo Luật, ĐBQH vẫn mong muốn các quy định được cụ thể hơn để không có sự phân biệt khi thực hiện quyền TCTT. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, cần quy định rõ chủ thể “phải là bất kể chủ thể nào; cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, cơ quan Nhà nước, hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã miễn là không làm phương hại đến các quan hệ xã hội mà Nhà nước bảo vệ, chứ không chỉ “gói gọn” là công dân như dự thảo để tránh hiểu quyền TCTT chỉ là quyền của cá nhân.

Quan điểm của ông Nguyễn Đình Quyền được một số ĐBQH đồng tình và cũng đề nghị, dự thảo Luật bổ sung các chủ thể TCTT ngoài cá nhân. Thậm chí, làm rõ hơn vài trò của nhà báo, cơ quan báo chí trong việc TCTT, một số ĐBQH kiến nghị bổ sung vào đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, ĐBQH kiến nghị, dự thảo Luật cần có quy định cung cấp thông tin cho những đối tượng yếu thế, đặc biệt là những người tật nguyền để đảm bảo sự thụ hưởng của họ như những người bình thường khác./.

Huy Anh