Bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi gây tổn hại

12/11/2015
Sáng nay - 12/11, dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) sửa đổi đã được Chính phủ trình QH với việc mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi so với Luật năm 2004
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Điều 1 Dự thảo Luật quy định “trẻ em là người dưới mười tám tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi vì người dưới mười tám tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em.

Nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em, bảo đảm tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi khi điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những thay đổi tiến bộ so với thời điểm thông qua Luật BVCSGDTE năm 2004, tạo điều kiện cho người chưa thành niên ở độ tuổi này có cơ hội được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.

Đa số ý kiến của UB VHGDTNTN&NĐ của QH nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi để bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.     

Cùng với đó, bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính là nội dung mới được bổ sung vào dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ trẻ em có liên quan đến tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính. Nội dung này liên quan đến trẻ em vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong các vụ án hình sự, trẻ em có liên quan đến quá trình tố tụng dân sự vì lý do chăm sóc, cấp dưỡng trong các vụ ly hôn./. 

H.Giang