Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi): Không để lạm dụng quyền tự do báo chí

05/11/2015
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của báo chí và đáp ứng các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Báo chí hiện hành.
 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính  phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi) trước QH chiều qua (4/11).

Dự thảo quy định có 4 loại hình báo chí là báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử. Chỉ các cơ quan của Đảng; cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên; cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được thành lập cơ quan báo chí. Các cơ sở giáo dục và tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí khoa học.

Theo dự thảo, cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu; được hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định pháp luật; có nguồn thu từ cơ quan chủ quản cấp; thu từ bán báo, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

Một trong những điểm mới của dự thảo là quy định lại chức danh trong cơ quan báo chí. Theo đó, người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng giám đốc hoặc Giám đốc thay cho chức danh Tổng biên tập như Luật hiện hành. Đồng thời quy định, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí không được đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, tổng biên tập, phó tổng biên tập tại cơ quan báo chí khác.

Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH cũng nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân khiến nhiều quy định trong Luật Báo chí hiện hành đã trở nên lạc hậu, thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới.

Vì vậy, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng./.

H.Giang